Chuyên gia AI như “lá mùa thu”
Thundermark Capital (công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại New York - Mỹ) vừa công bố Bảng xếp hạng nghiên cứu AI toàn cầu năm 2022. Theo đó, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng ấn tượng với vị trí 26, trở thành một trong 2 đại diện của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, góp mặt trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI.
Ở hạng mục Top 100 công ty toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu AI, Việt Nam lần đầu tiên góp mặt trong top 20 với màn bứt tốc ấn tượng của VinAI (Vingroup). Theo đó, VinAI xếp ngay sau NEC (Nhật Bản - thứ 19), trên Bosch (Đức - thứ 21) và nhiều tên tuổi lớn như ByteDance (Trung Quốc - thứ 23), SenseTime (Trung Quốc - thứ 27) và Naver (Hàn Quốc - thứ 28).
VinAI mới chỉ thành lập được 3 năm, nhưng đã nhanh chóng đạt nhiều thành tựu lớn trong xe tự hành, nghiên cứu mã gen, phát triển trợ lý bác sỹ ảo… VinAI cũng đã công bố nhiều công trình khoa học về AI tại nhiều hội nghị quốc tế lớn. Sự phát triển mạnh mẽ của VinAI dựa trên đội ngũ khoảng 200 nhà khoa học, kỹ sư về AI quy tụ từ các nước trên thế giới.
Các doanh nghiệp Việt khác như Viettel, VNPT, FPT… cũng sớm đầu tư, nghiên cứu và phát triển AI trong những năm qua. Hiện tại, kết quả nghiên cứu AI từ các doanh nghiệp đang lan tỏa khắp các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ của rất nhiều doanh nghiệp.
Thế nhưng, một vấn đề luôn làm đau đầu doanh nghiệp không phải là tài chính, siêu máy tính, mà là nguồn nhân lực cho AI của Việt Nam quá mỏng, yếu, thiếu trầm trọng.
Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện có hơn 1.600 người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới AI. Trong đó, chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam. Nếu tính theo số chuyên gia, con số này thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 300 người. Nếu tính con số gần 1 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT thì nhân lực AI quá nhỏ bé.
Ông Trần Trung Hiếu, CEO TopCV cho biết, trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI tại Việt Nam rất lớn, nhưng nguồn cung thì rất thiếu. Tại Việt Nam, nguồn cung nhân sự AI mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.
Kỹ sư AI là nghề được các doanh nghiệp trải thảm đỏ với mức lương cao chót vót. Theo báo cáo thị trường ngành IT năm 2021 của TopDev, mức lương trung bình 38 - 132 triệu đồng/tháng, thuộc top 10 công việc có mức lương cao nhất, nhưng luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Doanh nghiệp xoay xở bằng cách nào?
Để giải quyết bài toán thiếu kỹ sư AI, các doanh nghiệp phải chiêu mộ chuyên gia từ nước ngoài, tuyển dụng về tự đào tạo hoặc “đặt hàng” cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc VinBigdata chia sẻ, mặc dù nhu cầu nhân lực AI tăng cao, song chỉ có khoảng 30% cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến AI, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể làm việc được.
“Cần phải có chương trình đào tạo chuyên nghiệp để tập trung cho “ra lò” những kỹ sư chuyên về AI. Như ở VinBigdata đang có hẳn một chương trình dành riêng cho sinh viên sắp ra trường nhằm đào tạo nhân sự AI chất lượng cao. Chương trình chủ yếu tập trung vào các lý thuyết chuyên sâu cũng như ứng dụng thực tiễn. Người học có cơ hội tiếp xúc với các dự án AI đang được Vingroup triển khai”, ông Vũ Hà Văn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace), để nhanh chóng tăng tốc, Viettel đã tích cực tuyển dụng chuyên gia, kỹ sư người Việt chuyên ngành AI ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc…), hợp tác với các chuyên gia ở nhiều nước (Mỹ, Nhật, Singapore, Phần Lan…).
“Chúng tôi cũng kết hợp với các trường đại học để đào tạo chuyên ngành thạc sỹ, tiến sỹ về khoa học dữ liệu và AI cho lực lượng kỹ sư hiện có”, ông Quý nói.
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc FUNiX xSeries cũng cho rằng, cần liên kết giữa các trường, trung tâm, cơ sở đào tạo AI. Mở rộng đối tượng đào tạo kỹ sư AI, không chỉ thu hẹp ở các cử nhân toán, lập trình. Quan trọng nhất là phải cá nhân hóa nội dung học tập và sự trải nghiệm trong học tập của học viên muốn theo đuổi AI.
Theo GS-TS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để AI có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, ngay từ cấp đại học, cần “nhập môn AI” cho mọi ngành học, giúp sinh viên có tư duy về thống kê, con số, năng lực và kỹ năng sử dụng dữ liệu. Ngoài ra, thay vì coi AI là một phần trong bộ môn của các khoa công nghệ thông tin, cần xây dựng nhiều chương trình đào tạo bậc đại học, trên đại học chuyên về AI và khoa học dữ liệu.
Ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện VinAI Research nhấn mạnh, công tác đào tạo tại các trường đại học là mấu chốt để giải quyết vấn đề nhân lực. Có 4 vấn đề cần chú trọng nếu muốn phát triển AI: nhân sự vừa có chất lượng, vừa đủ số lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm. Quan trọng nhất là lực lượng nghiên cứu AI người Việt cần có môi trường để thể hiện và bệ phóng để phát huy.