Sáng ngày 19/11/2019 đã diễn ra Lễ ký kết giữa Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố về triển khai và nhân rộng Mô hình điểm tại Trạm Y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình theo Hướng dẫn số 1383/HD- BYT ngày 19/12/2017. Phấn đấu 100% trạm y tế sẽ hoạt động theo mô hình y học gia đình trong 10 năm tới.
Đại diện 8 tỉnh thực hiện Ký kết về triển khai và nhân rộng Mô hình điểm tại Trạm Y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình |
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, hoạt động của trạm y tế xã, bao gồm: Vận hành trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; Đào tạo nhân lực, cung cấp trang thiết bị nhằm cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu hệ thống y tế cơ sở; Cơ cấu tổ chức, nhân lực; Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; Vệ sinh môi trường, y tế học đường, phòng chống tai nạn thương tích; Khám, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; Phòng, chống bệnh, dịch và quản lý bệnh không lây nhiễm; Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm; Hoạt động y, dược học cổ truyền và hợp đồng lương y làm việc tại trạm; Quản lý, sử dụng thuốc, vắc xin và mở nhà thuốc tại trạm y tế; Gói dịch vụ y tế cơ bản và quản lý tài chính; Cơ sở vật chất, vật tư và trang thiết bị; Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hoạt động.
Việc xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình nhằm giúp cán bộ ngành y tế và người dân có thể tiếp cận ngay tại Việt Nam, từ đó hình dung cụ thể, rõ ràng về những trạm y tế được tăng cường năng lực thông qua đổi mới toàn diện và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nhân lực tới hoạt động và tài chính.
PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phát biểu tại buổi Lễ |
Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh để xây dựng mô hình điểm, theo đó mỗi tỉnh tham gia xây dựng mô hình điểm sẽ lựa chọn ra ba trạm tại ba vùng (vùng 1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.
Để triển khai có hiệu quả Hướng dẫn số 1383/HD-BYT, Bộ Y tế đã có văn bản phân công chính thức lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục làm đầu mối theo dõi, giám sát tại 1 trong số 8 tỉnh triển khai mô hình điểm trạm y tế xã và một số tỉnh đang đề nghị muốn được tham gia mô hình điểm.
Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng cũng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại trạm y tế xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…
Sau một năm thực hiện mô hình trạm y tế điểm, tính đến cuối tháng 10/2019, tổng số lượt khám tại các trạm y tế đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, trạm y tế đã triển khai bộ phận khám chữa bệnh y học cổ truyền thực hiện châm cứu, xoa bóp, bấp huyệt tại trạm.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra và thăm quan tại Trạm Y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội |
Theo Bộ trưởng Tiến, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Tại Việt Nam, dù có cải thiện, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Vẫn nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.
Theo thống kê có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.