Sản xuất, xuất khẩu phục hồi là động lực gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị... |
Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và đơn hàng xuất khẩu là động lực chính khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong quý đầu năm 2024 tăng mạnh ở tất cả các thị trường nhập khẩu lớn, đáng chú ý là mức tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc.
Thống kê của Bộ Công thương, quý I/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 14,6%.
Trong năm ngoái, nước ta nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm hơn 7,3 tỷ USD so với năm 2022. Sở dĩ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc giảm trong năm qua là do giảm ở chiều nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị. Mức giảm nhập khẩu so với năm ngoái tương đương 7,3 tỷ USD.
Tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 4,3%, ASEAN đạt 11,07 tỷ USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,8% ; EU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 17,3%, Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8%.
Về tổng thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%); trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 55,3 tỷ USD, tăng 13,6%.
Cả nước có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%).
Chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ), với kim ngạch ước đạt 75,7 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 23,6% so với quý I/2023; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng như: thép các loại tăng gần 32%; chất dẻo nguyên liệu tăng 8,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 9,1%; vải các loại tăng 2,7%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu quý I/2024 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 4,6 tỷ USD. Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 22,7% và rau quả tăng 21,2%.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng ở 54/63 địa phương và xuất khẩu tăng trưởng 17% trong quý I là động lực thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa đầu vào gia tăng.
Mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023.
Các yếu tố này sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và máy móc thiết bị gia tăng trong thời gian tới.