Người dân chọn mua thực phẩm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN |
Ngày 22/9, Bộ Nội vụ, Thông tin truyền thông Nhật Bản đã công bố báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (không tính các hàng hóa tươi sống) của nước này trong tháng 8/2023 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương đà tăng của tháng 7/2023 và ghi nhận 12 tháng liên tục lạm phát trên 3%.
Chỉ số tổng hợp bao gồm mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng 3,2%, trong khi chỉ số không tính mặt hàng năng lượng và thực phẩm tươi sống tăng 4,3%.
Lạm phát trong tháng 8/2023 của Nhật Bản đã kéo dài chuỗi tăng và cao hơn so với dự báo trung tâm là 3,0% được đưa ra trước đó, cũng như vượt mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra.
Bộ Nội vụ, Thông tin và truyền thông Nhật Bản cho rằng chính sách kiềm chế đà tăng giá điện và giá gas mang lại hiệu quả kiểm soát lạm phát khoản 1%. Nếu chính sách này kết thúc, chỉ số tổng hợp không tính mặt hàng tươi sống có thể tăng lên mức 4,1%.
Theo danh mục hàng hóa, giá điện giảm 20,9% trong khi giá xăng tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm không tính mặt hàng tươi sống tăng 9,2%, giá dịch vụ lưu trú tăng 18,1% so với tháng 8/2022.
Theo ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia cấp cao của Trung tâm nghiên cứu Dai-ichi Life Group, yếu tố quan trọng khiến lạm phát tăng cao là giá thực phẩm tăng. Tiền lương không theo kịp đà lạm phát khiến tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản tiếp tục duy trì đà yếu.
Đánh giá về xu hướng trong thời gian tới, chuyên gia Toshihiro cho rằng kể từ tháng 10/2023, giá bán lúa mì sẽ giảm lần đầu tiên sau một thời gian, do đó áp lực tăng giá lương thực dự kiến sẽ chậm lại đáng kể từ cuối năm. Mặt khác, giá điện được dự đoán sẽ tăng đáng kể từ đầu năm 2024 do đồng yen yếu và giá dầu thô tăng cao. Vì vậy, năng lượng được dự đoán sẽ là yếu tố thúc đẩy lạm phát tại Nhật Bản trong thời gian tới.