Quốc tế
Nhật Bản phát tín hiệu điều chỉnh chính sách tiền tệ
Đông Phong - 26/12/2023 07:23
Khả năng đạt mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản “đang tăng dần” và cơ quan này sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách nếu triển vọng đạt mục tiêu tăng "đủ mức".
Ông Kazuo Ueda - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh: AFP

Quan điểm trên được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Kazuo Ueda, đưa ra vào ngày 25/12.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng, khi các công ty đã trở nên cởi mở hơn trong việc tăng lương và giá cả, thì điều quan trọng cần xác định là liệu tiền lương có tiếp tục tăng trong năm tới và dẫn đến giá dịch vụ tăng thêm hay không.

"Nếu chu kỳ hiệu quả giữa tiền lương và giá cả tăng lên và khả năng đạt mục tiêu giá cả một cách bền vững và ổn định của chúng tôi tăng đủ, chúng tôi có thể sẽ xem xét thay đổi chính sách tiền tệ", Thống đốc Ueda cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết cơ quan này chưa quyết định thời điểm cụ thể để thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, do những bất ổn về kinh tế và thị trường.

"Chúng tôi sẽ xem xét thận trọng tình hình phát triển kinh tế cũng như hành vi ấn định tiền lương và giá cả của các công ty, từ đó quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai một cách thích hợp", Thống đốc Ueda cho biết thêm.

Phát ngôn trên khác xa so với cụm từ mà Thống đốc Ueda thường dùng khi ông kêu gọi sự cần thiết phải "kiên nhẫn" duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong giai đoạn hiện nay.

Thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã "phớt lờ" những thông tin từ Thống đốc Ueda, bởi lợi suất trái phiếu đã giảm khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiến hành hoạt động mua vào trái phiếu thường xuyên.

Với lạm phát vượt mục tiêu đề ra trong hơn một năm qua, nhiều nhà giao dịch kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa lãi suất ngắn hạn ra khỏi vùng âm vào năm 2024, và một số người còn cho rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn ngay từ tháng 1/2024.

Thống đốc Ueda cho biết kinh nghiệm của Nhật Bản trong duy trì lạm phát thấp và tăng trưởng tiền lương chậm chạp có thể làm tăng nhận thức của công chúng rằng giá cả và tiền lương sẽ vẫn ở mức 0.

Việc thay đổi nhận thức như vậy và việc tạo ra một chu kỳ trong đó tiền lương và giá cả tăng song song sẽ mang lại những lợi ích như giúp phân bổ lao động hiệu quả hơn, theo người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Thống đốc Ueda cho biết, việc đạt được lạm phát tích cực sẽ đẩy lãi suất danh nghĩa lên cao và tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giảm lãi suất thấp hơn đáng kể khi cần thiết để ngăn nền kinh tế rơi trở lại tình trạng giảm phát.

Ông Ueda chỉ ra những tiến bộ gần đây của nền kinh tế Nhật Bản, chẳng hạn như lạm phát dịch vụ tăng dần, còn cách các công ty định giá và thanh toán có dấu hiệu thay đổi.

"Khả năng nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi lạm phát thấp và đạt được mục tiêu giá cả của chúng tôi đang dần tăng lên, mặc dù khả năng này vẫn chưa đủ cao ở thời điểm này", ông Ueda cho biết.

Thống đốc Ueda lý giải: "Vì có những bất ổn cực kỳ cao xung quanh nền kinh tế nước này cũng như giá cả trong và ngoài nước, cho nên cần phải kiểm tra hành vi ấn định tiền lương và giá cả của các công ty sẽ thay đổi như thế nào".

Tin liên quan
Tin khác