Mặc dù khẳng định việc quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất - kinh doanh, song Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm.
“Hiệu quả khai thác, sử dụng đất chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực lớn đất đai”, báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 nhấn mạnh.
Theo đó, Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn.
Chuyện lãng phí đất đai đã rất nhiều lần làm "nóng" nghị trường Quốc hội |
Cụ thể, chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn Giám sát có báo cáo thông tin, trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ do sau 3 năm không triển khai thực hiện đã lên tới 1.739 công trình, dự án, với tổng diện tích đất 12.013 ha.
“Đây là hệ quả của tình trạng dự án treo”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn Giám sát cho biết.
Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát, việc thu hồi, bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ, dẫn đến nhiều công trình, dự án chậm triển khai, không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.
Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng cho biết, tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều. Thời gian chậm đưa đất vào sử dụng của các công trình, dự án thuộc trường hợp này phổ biến từ 1-2 năm, cá biệt có dự án sau 15 năm kể từ ngày được bàn giao đất đến nay đất vẫn bỏ hoang.
Chẳng hạn, Dự án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam Bộ (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích trên 2,1 ha, đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư từ năm 2007 theo hình thức không thu tiền sử dụng đất, nhưng đến nay sau 15 năm hiện trạng khu đất có tường rào kiên cố, chưa xây dựng công trình, chưa đưa đất vào sử dụng.
Hay Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương và Dự án đường vành đai 4 trong đó có cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú tỉnh Bắc Giang, mặc dù tiến độ triển khai đã được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm đưa đất vào sử dụng do việc thi công công trình gặp khó khăn vì kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào của dự án chưa có.
Dự án này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2011, nhưng vướng mắc về thủ tục cấp phép xây dựng và cơ chế đấu giá đất mà đến nay đã qua 11 năm, dự án chưa thể thi công, mặc dù đã được địa phương 2 lần gia hạn.
Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng cho thấy, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Rất nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha . Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 286 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì có nhiều, trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan đến thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tư duy nhiệm kỳ chính là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai.
Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, rằng toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, tiền thu được rất thấp, chỉ 286 tỷ đồng; giám sát 7 địa phương cho thấy có hơn 1.700 dự án treo, tương đương 12.000 ha đất hoang, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, đây là sự thật “rất đau lòng và gây bức xúc với người dân”.
“Qua giám sát, bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hóa, còn những nơi sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng thêm”, bà Vũ Thị Lưu Mai nói và đề cập các nguyên nhân khác gây lãng phí đất đai, như tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất, tâm lý e dè tạo sức ì và trì trệ rất lớn trong cơ quan công quyền.
“Điều này giải thích vì sao có dự án trải qua hàng chục năm vẫn vướng, trong đó nhiều cái vướng là hệ quả của giai đoạn trước”, bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.