Gia tăng đầu tư
Theo số liệu khảo sát của Công ty kiểm toán KPMG, 90% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư nhiều nguồn lực tài chính hơn cho ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, khoảng 43% doanh nghiệp đang tìm cách bổ sung nguồn nhân lực chuyên về ESG, 40% có kế hoạch đầu tư vào phần mềm chuyên dụng để quản lý và theo dõi hoạt động ESG.
Nhiều công ty lớn vẫn tiếp tục đầu tư vào ESG. Hơn 400 thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và các nhà quản lý của các công ty được khảo sát cũng cho biết, doanh nghiệp của họ đang lên kế hoạch tái cơ cấu tổ chức phù hợp với mục tiêu ESG.
Có thể thấy, việc hướng đến phát triển bền vững và toàn diện, tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu của doanh nghiệp được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển trong tương lai.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa - Miliket đã đầu tư hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn ISO 14001, hệ thống quản lý năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001 để thực hiện sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, tiết…
“Dự tính đến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ đáp ứng được căn bản các tiêu chí của ESG trên cơ sở 3 nhóm tiêu chuẩn về sản phẩm, hệ thống và trách nhiệm”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa - Miliket chia sẻ.
Việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG đã và đang phổ biến và trở thành xu hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm GC thông tin, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà máy mới về nước trái cây theo tiêu chí ESG.
“Chúng tôi sẽ mời doanh nghiệp kiểm định để kiểm toán lượng phát thải khí nhà kính cũng như việc tạo oxy thông qua hoạt động trồng cây”, ông Thứ chia sẻ.
Cũng theo ông Thứ, doanh nghiệp đang làm việc với đơn vị tư vấn về ESG để giúp GC có lộ trình phát triển tốt hơn.
Thách thức không nhỏ
Dù quan tâm, nhưng hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đứng ngoài các hoạt động tiến tới đạt tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục, thì việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững càng xa vời.
Ngay cả những doanh nghiệp đang thực hành theo tiêu chuẩn ESG cũng cho rằng, việc triển khai tiêu chuẩn này tại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về thông tin, lúng túng trong thực hành cũng như thách thức về vốn đầu tư, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh của hàng hoá thấp…
Bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất MT Food chia sẻ: “Chúng tôi đã sử dụng những nguyên liệu bảo vệ môi trường, tham gia trồng rừng, sử dụng năng lượng mặt trời, phát triển nông nghiệp hữu cơ… Tựu trung, những cập nhật về bảo vệ môi trường đều được doanh nghiệp thực hiện”.
Tuy nhiên, theo bà Thùy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có đơn vị chứng nhận ESG nào tại Việt Nam. MT Food đang phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để hỗ trợ thực hiện, kiểm tra theo các tiêu chuẩn của ESG nhằm hướng đến đạt được các chứng nhận.
Đồng thời, nguồn vốn đầu tư cho ESG khá lớn, song lại có quá nhiều khung tiêu chuẩn, quy định về ESG, khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Tiếp theo là khó khăn về chi phí vận hành.
Theo bà Thùy, những khó khăn trên tạo thành vòng luẩn quẩn, khiến doanh nghiệp gặp khó khi triển khai ESG.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư SDP cho hay, có những doanh nghiệp thực hiện theo các quy trình của ESG rất tốt, song lại không thực hiện được báo cáo theo đúng quy định. “Hầu hết doanh nghiệp thiếu kiến thức về ESG, từ đó tiêu tốn nhiều nguồn vốn, thời gian…”, ông Dũng chia sẻ.
Để giải quyết các vướng mắc trên, theo ông Nguyễn Văn Thứ, cần có những quy định rõ ràng, công khai hơn về ESG để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nhìn thấy được mặt tích cực dài hạn để quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần có cơ chế vay vốn thuận lợi hơn hoặc có ưu đãi về lãi vay cho doanh nghiệp có thể chứng minh đang thực hiện ESG nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư nhà máy, nhân sự.