Hiện nay, Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, sử dụng nhiều rào cản kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa. |
Cầu giảm, nhưng tiêu chuẩn hàng nhập khẩu lại nâng lên
Trước tình trạng lạm phát, suy giảm kinh tế, người dân Mỹ, EU… đều thắt chặt chi tiêu, giảm mua hàng, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm 21,6%; sang EU giảm 10,8%; sang Nhật Bản giảm 0,9%; sang Hàn Quốc giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, kéo kim ngạch xuất khẩu chung giảm 11,9%.
Dù đã dự báo trước tình hình, song Bộ Công thương vẫn không khỏi sốt ruột. Tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, đại diện các thương vụ tiếp tục “mách nước” cho các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường để thích ứng, tận dụng cơ hội, tăng xuất khẩu.
Một trong những điểm được các chuyên gia, tham tán thương mại đặc biệt lưu ý đối với nhà sản xuất trong nước là, dù sức cầu hàng hóa suy giảm, nhưng tiêu chuẩn của hàng nhập khẩu lại nâng lên. Hiện nay, Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, sử dụng nhiều rào cản kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa.
- Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam
“Nhiều thị trường đang có những đòi hỏi kép về chính sách, như phải là sản phẩm tái chế, minh bạch trong hoạt động của nhà sản xuất... Đây là yêu cầu mà doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giải pháp then chốt là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đáp ứng chuyển biến rất nhanh của nhà mua hàng, như thời gian giao hàng nhanh, giá cả cạnh tranh, chất lượng ổn định, minh bạch trong sản xuất...”.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan) cho biết, đối với hàng nông - thủy sản, EU “soi” kỹ hơn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 46 tỷ USD sang thị trường 27 nước thành viên EU, tăng 15% so với năm 2021, nhờ chất lượng sản phẩm Việt ngày càng nâng lên, lại được “tiếp sức” từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhưng năm nay, con số này không dễ đạt được.
“Sức cầu suy giảm, không có nghĩa mọi tiêu chuẩn sẽ hạ thấp, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, khó hơn với nông - thủy sản, hàng dệt may, giày dép, bởi EU tiếp tục bổ sung các quy định mới nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, bà Diệp lưu ý.
Sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khởi sắc, tăng trưởng 11,5% trong quý I. Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận định, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại tạo nhiều thuận lợi, nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước, do quốc gia này kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… ngày càng chặt chẽ. Theo đó, ông Lai lưu ý các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và thực hành về kiểm soát dịch bệnh, tuân thủ các quy định mới của nước nhập khẩu.
Tìm giải pháp vượt “chướng ngại vật”
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường… đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Khi đã kinh doanh ở phạm vi quốc tế, doanh nghiệp cần xác định rằng, sẽ không bao giờ hết khó khăn. Bởi vậy, khi gặp “chướng ngại vật”, doanh nghiệp không được nản, mà phải tìm ra giải pháp để không đánh mất cơ hội.
Với thị trường Mỹ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, dù suy giảm theo tình hình chung, nhưng Mỹ vẫn là thị trường quyết định tăng trưởng của nhiều ngành hàng lớn, như điện tử, dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản. Năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu sang Mỹ vượt 100 tỷ USD. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục giữ vững thị trường Mỹ bằng việc tiếp tục cập nhật thông tin, chuyển đổi sản xuất theo xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, linh hoạt trong ứng phó với biến động thị trường toàn cầu, tập trung vào các thị trường có nhu cầu nhập khẩu, đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu là giải pháp sát sườn với doanh nghiệp.
Đơn cử, trong khi nhiều thị trường suy giảm, thì xuất khẩu sang Canada - thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đạt hơn mong đợi.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, xuất khẩu sang Canada vẫn là điểm sáng. Quý I/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 (trừ thủy sản giảm 26%). Năm ngoái, xuất khẩu sang Canada tăng 21,2%, đạt gần 6,4 tỷ USD.
Thị trường thuận lợi, nhưng lại không chia đều cho các ngành hàng. Bà Quỳnh khuyến cáo, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Canada sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn từ các đối thủ cạnh tranh sắp ký kết FTA với Canada (như Ecuador, Indonesia, Ấn Độ); dệt may cũng sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ đến từ các nước vừa ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (như Bangladesh, Ai Cập, Sri Lanka, Campuchia, Haiti, El Salvador…).