Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhờ vốn rẻ, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận quý IV sẽ tăng
Hà Tâm - 08/11/2021 08:31
Mảng cho vay vẫn tăng trưởng tốt, cộng với thu nhập ngoài lãi, khiến các ngân hàng đứng vững trong đại dịch. Nhiều ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng mạnh hơn nữa trong quý IV/2021.
Thu nhập lãi thuần của SeaBank tăng 85%.

Lãi lớn không chỉ nhờ tín dụng

Tính đến thời điểm này, 27 ngân hàng TMCP niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 45%. Trong đó, có 8 ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 3 con số, tăng từ 100% đến hơn 600%, gồm: PGBank, SeABank, MSB, Bản Việt, VietABank, NamABank, KienLong Bank, NCB.

Tín dụng chung toàn hệ thống tăng trưởng không cao (tăng 7,42% tính đến ngày 7/10), song nhờ chi phí vốn rẻ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được cải thiện, các ngân hàng vẫn lãi lớn từ tín dụng (hiện đóng góp hơn 80% lợi nhuận của các nhà băng).

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, bình quân thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm nay tăng khoảng 30%. Trong đó, tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh nhất là KienLongBank (tăng 92%), NamABank (tăng 71%), SeaBank (tăng 85%), SHB (tăng 63%), VietBank (tăng 62%)...

Thế nhưng, 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng không chỉ sống nhờ tín dụng. Ngày càng nhiều ngân hàng đa dạng nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là thu dịch vụ (chủ yếu là từ mảng thanh toán, bảo hiểm) và chứng khoán đầu tư.

Chẳng hạn, tổng thu nhập từ dịch vụ của của MB trong 9 tháng đầu năm nay đạt 8.489 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, trong đó thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 5.656 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.

Tại Techcombank, thu nhập dịch vụ 9 tháng đầu năm nay cũng tăng gần 28% (trong đó, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm tăng 31%).

Tương tự, VIB cũng đang dẫn đầu thị trường Bancassurance với thu nhập từ lĩnh vực này tăng 36%. Tại một số ngân hàng nhỏ khác, lãi từ dịch vụ còn tăng trưởng mạnh hơn. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ của MSB tăng gấp 5 lần (65% đến từ bảo hiểm), của NamABank tăng 81%.

Ngoài dịch vụ và tín dụng, mảng chứng khoán đầu tư cũng mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Tại TPBank, lãi từ mảng chứng khoán đầu tư trong quý III/2021 tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5 lần trong 9 tháng đầu năm.

Tương tự, tại BacABank, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng tới 12 lần trong quý III/2021 và tăng 4 lần trong 9 tháng. Tại NamABank, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư 9 tháng đầu năm nay tăng 144%, tại OCB tăng 30%, tại Techcombank tăng 50%...

Nợ xấu không quá xấu, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận tăng mạnh vào quý IV/2021

Mặc dù nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối tháng 9/2021 đã tăng khoảng 26% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng tăng đáng kể, song mức tăng nợ xấu này, theo đánh giá của các chuyên gia, là không xấu như dự báo trước đó. Chưa kể, nhiều ngân hàng đã tăng rất mạnh trích lập dự phòng rủi ro giai đoạn trước, cộng với xử lý tài sản đảm bảo thành công, nên thậm chí còn được hoàn nhập dự phòng.

Có 8 ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 3 con số, tăng từ 100% đến hơn 600%, gồm: PGBank, SeABank, MSB, Bản Việt, VietABank, NamABank, KienLong Bank, NCB.

Chính vì vậy, 9 tháng đầu năm nay, giảm trích lập dự phòng còn trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng. Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm nay, VietABank chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái, dự phòng rủi ro của BacABank cũng giảm 70%, NamABank giảm 19%, KienLongBank giảm 36,3%...

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nợ xấu hiện tại của các ngân hàng Việt Nam không gây ra rủi ro hệ thống, không gây ra cú sốc nào cho các ngân hàng về trích lập dự phòng. Với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ tăng trở lại. Chính vì vậy, lợi nhuận ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng tăng trong quý IV/2021 và năm 2022.

Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Linh, Phó giám đốc tài chính Ngân hàng VIB dự đoán, thu nhập lãi thuần và biên lãi ròng (NIM) của VIB sẽ cải thiện ngay trong quý IV/2021 khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Tương tự, lãnh đạo VPBank cũng kỳ vọng, mảng bán lẻ, vay tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại trong quý IV/2021.

Năm 2022, theo dự báo của các chuyên gia, thị trường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lợi nhuận trở lại Vietcombank, VietinBank, BIDV do khối ngân hàng TMCP quốc doanh này đã giảm bớt áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, mảng dịch vụ và đầu tư tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng.

Hiện nay, nhiều hợp đồng Bancassurance độc quyền đang được đàm phán. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, ngân hàng đang tiến hành các thủ tục hoàn tất hợp đồng bancassurance với Manulife, dự kiến ghi nhận thu nhập trong quý I/2022.

Tương tự, VPBank cũng đang tiếp tục thảo luận với đối tác là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA về thỏa thuận Bancassurance độc quyền. Đồng thời, với nguồn vốn dồi dào từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản, VPBank đang cân nhắc quay trở lại mảng chứng khoán.

Việc đa dạng hóa dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, số hóa mạnh mẽ đang giúp các ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng, giảm gánh nặng dự phòng rủi ro và tiếp tục sống khỏe thời gian tới, khi nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Tin liên quan
Tin khác