Mặc dù dư nợ cho vay ngoại tệ tăng, nhưng xét theo giá trị tuyệt đối quy đổi dư nợ cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở TP.HCM cũng chỉ đạt 172.000 tỷ đồng so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn hơn 3,3 triệu tỷ đồng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các lĩnh vực kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận với lãi suất cho vay VND và cho vay ngoại tệ.
Theo quy định hiện hành, cho vay ngoại tệ là một loại hình kinh doanh có điều kiện, ngoài các mặt hàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước theo danh mục của nhà nước, các nhà xuất khẩu vay vốn bằng ngoại tệ phải chứng minh được nguồn ngoại tệ thu được bán lại cho ngân hàng mới được sử dụng ngoại tệ tiền vay.
Số liệu NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, tính đến hết tháng 10/2023, khoảng 63% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%/năm, khoảng 37% dư nợ cho vay lãi suất 10,53%/năm chủ yếu nằm ở những khoản dư nợ cho vay trung dài, hạn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, kết quả này là hiệu quả tích cực từ cơ chế chính sách lãi suất, tín dụng của NHNN Việt Nam từ đầu năm đến nay và sự đồng hành chia sẻ của các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp thời gian qua.
Ngoài ra, TP.HCM cũng có gần 35.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã được ngân hàng cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ xấu hơn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, từ đó tạo điều kiện ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh vượt qua khó khăn.