Y tế - Sức khỏe
Nhức nhối vấn nạn thực phẩm chức năng chứa chất cấm
D.Ngân - 31/05/2022 16:23
Thực phẩm chức năng ngậm chất cấm vẫn liên tục được phát hiện khiến người tiêu dùng bất an.
Sản phẩm Max Health Go Coffee có chứa chất cấm Sibutramin

Cục An toàn thực phẩm vừa thông tin cảnh báo về sản phẩm Max Health Go Coffee cà phê Insert Coffee to begin có chứa chất cấm Sibutramin.

Theo đó, cơ quan này đã nhận được Công văn số 61/BC-VYTCC ngày 6/5/2022 của Viện Y tế công cộng TP.HCM báo cáo sự vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại TP.HCM tháng 4/2022.

Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 4 mẫu sản phẩm Max Health Go Coffee cà phê Insert Coffee to begin, có các ngày sản xuất, hạn sử dụng: NSX: 7/3/2022; HSD: 7/3/2024; NSX: 18/3/2022, HSD: 18/3/2024; NSX: 25/3/2022, HSD: 25/3/2024; NSX: 20/4/2022, HSD: 20/4/2022 đang lưu thông trên thị trường có chứa Sibutramin.

Thông tin trên nhãn sản phẩm ghi “Sản phẩm của Công ty TNHH Matxi Corp, địa chỉ: Số 22 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM, Việt Nam. 

Nơi sản xuất: Chi nhánh Công ty TNHH Quốc tế MEDINO, địa chỉ:  Lô 250, đường 12, khu công nghiệp Long Bình (Amata), TP.Biên Hoà, tỷnh Đồng Nai.

Cũng về sản phẩm cà phê, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Thịnh Việt Pharma để kiểm nghiệm chất cấm Sibutramine.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thông tin cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus; sản phẩm Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý có chứa chất cấm Sildenafil và sản phẩm Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo có chứa Sibutramine. Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein

Hai sản phẩm thực phẩm chức năng khác là Viên xương khớp Japan và Viên nang Gân Cốt Hoàn bị phát hiện chứa chất cấm Diclofenac. Còn viên nang Gân Cốt Hoàn bị phát hiện có chứa chất cấm Diclofenac (7,16 mg/g). 

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm “điểm mặt, chỉ tên” 7 sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm. Cụ thể, Hamer Candies, có chứa chất N-desmethyl tadalafil (một tân dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới và là thuốc điều trị theo đơn);

Coco Curv, Nutriline Thinsline, Wholly Fitz "PASSION LEMON TEA" withGuarana Powder and Hoodia Gordonii Extract và Choco Fit chứa chất sibutramine; Nutriline Cleansline, có chất sennosides; Kimiso Dark Chocolate, có chất sibutramine và diphenhydra mine.

Một loạt sản phẩm giảm cân như Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea vừa qua cũng bị phát hiện chứa chất cấm sibutramin. 

Theo Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), nguy cơ trên tim mạch của Diclofenac tương tự như nhóm thuốc giảm đau ức chế chọn lọc COX-2 (coxib), đặc biệt khi dùng thuốc với liều cao và điều trị dài ngày. 

Do đó, PRAC khuyến cáo các vấn đề cần lưu ý, thận trọng trong sử dụng các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 cũng nên được áp dụng đối với Diclofenac để giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông. CMDh đã đồng ý với PRAC và thông qua khuyến cáo mới này.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo, Phenolphthalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH. Phenolphthalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. 

Chính vì vậy, chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ.

Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Vì vậy, từ tháng 10/2010, FDA đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine. Hiện tại, Việt Nam, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm khi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc này đã được cơ quan chức năng phát hiện khi kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm. 

Để bảo vệ sức khỏe người dân, ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm Quốc hội đã ban hành Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 tăng nặng các chế tài đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317.

Theo đó, Luật quy định nếu sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 

Bên cạnh đó, để có căn cứ xác định các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giúp thắt chặt quản lý các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn các sản phẩm chứa các chất độc hại tiếp cận với người tiêu dùng; Thông tư này cũng làm cơ sở xem xét dấu hiện hình sự đối với các hành vi phát hiện sử dụng chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.“Khi phát hiện chất cấm trong thực phẩm chức năng Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển cho cơ quan công an tiến hành xử lý theo quy định”, ông Phong nói.

Tin liên quan
Tin khác