Các chiến sỹ Trường Sa luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển Đông. |
Kê cao Tổ quốc giữa biển khơi
Một ngày cuối tháng 5/2019, trong lúc hầu hết các thành viên của Đoàn công tác số 13 đi thăm quân và dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đều đang vui vẻ giao lưu với các chiến sĩ trên đảo Đá Thị, thì Thượng tá Hồ Hoàng Tiến, Phó chính ủy Lữ đoàn 172, Quân chủng Hải quân, lại lặng lẽ đứng một mình. Nheo nheo đôi mắt đã hằn dấu vết của thời gian, “người lính già” với làn da đậm màu sóng gió bật cười khi nghe tôi lân la hỏi: “Đây là lần thứ bao nhiêu ông ra đảo?”.
“Tôi không còn nhớ nữa”, ông mỉm cười. Không đếm và không nhớ. Cũng phải, bởi đã 35 năm, ông ở trong quân ngũ và đã hơn 31 năm kể từ lần đầu tiên ông ra đảo, tháng 4/1988. Bắt đầu từ đảo Tiên Nữ, sau 31 năm 1 tháng, dấu chân ông đã đi qua hết các điểm đảo, các điểm đóng quân của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1. Và cũng bởi thế, hơn ai hết, ông hiểu Trường Sa ngày trước và bây giờ khác nhau đến chừng nào.
Trầm ngâm, ông kể, hồi ấy, mấy đảo chìm như Đá Thị chỉ là những bãi san hô nằm sâu dưới đáy biển. Từ giữa bãi san hô ấy, những “ngôi nhà cao cẳng” được xây dựng giữa biển khơi, giống y kiểu nhà sàn của bà con dân tộc ít người, với vài cái cọc cắm sâu và một ngôi nhà nhỏ xíu, nằm chênh vênh trên đó. Nhưng giờ, ở tất cả các điểm đảo, kể cả là đảo chìm, đều là những ngôi nhà bền vững, xây chắc chắn, rộng rãi và thoáng mát, thuộc “thế hệ nhà” thứ 4, thứ 5. Chưa kể, sau này, với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa”, gần như đảo nào cũng đã xây dựng thêm nhà đa năng, trên làm nơi sinh hoạt, giao lưu cho lính đảo, dưới làm bể chứa nước ngọt. Chưa kể, còn có các công trình điện gió, điện mặt trời, cả các khu vực lọc nước biển thành nước ngọt, giúp cuộc sống của những người lính đảo bớt vất vả hơn.
“Cánh Hải quân chúng tôi vẫn gọi đó là hành trình vác đá kê cao Tổ quốc giữa biển khơi”, Thượng tá Hồ Hoàng Tiến mỉm cười.
Ông bảo, thực ra, công đầu phải thuộc về các chiến sĩ công binh, những người đã vác từng viên đá từ đất liền ra, từng hạt cát, “kê” từng viên, tôn cao, để xây dựng được những hòn đảo kiên cố mà bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy chủ quyền của Tổ quốc giữa
biển khơi. Và đúng là chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, trong hải trình 9 ngày lênh đênh trên biển, suốt từ đảo Đá Lớn A, qua Đá Thị, tới Sơn Ca, rồi Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le B, Tốc Tan A, cũng như Phan Vinh A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/7. Thấy Tổ quốc đã được “kê cao” giữa biển khơi…
Những cột mốc sống của Tổ quốc giữa trùng khơi
Chẳng hiểu, vô tình hay hữu ý, hải trình của chúng tôi bắt đầu bằng Đá Lớn A và Đá Thị, sau đó mới tới Sơn Ca và các đảo khác. Điều thú vị là, càng đi càng thấy các đảo ngày càng to, đẹp hơn và ở bất cứ đâu cũng tràn đầy một sức sống mãnh liệt.
Càng đi, càng ấn tượng, nhưng ấn tượng lớn nhất có lẽ là ở đảo Sơn Ca. Nói có lẽ là bởi hai điểm đảo đầu tiên mà chúng tôi đến thăm trước - Đá Lớn A và Đá Thị - là hai đảo chìm. Đảo chìm, nên nhỏ và cũng ít cây xanh hơn.
Thú thực, trước khi tới Trường Sa, trong hình dung của tôi, đó là những hòn đảo chỉ toàn đá và đá giữa mênh mông biển trời. Bởi thế, khi tới Đá Lớn A, tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy một cây hoa giấy rực rỡ trong nắng. Còn khi tới Đá Thị, càng bất ngờ hơn khi thấy một vườn hoa nhỏ, với rất nhiều sắc màu rực rỡ và cả một cây bàng vuông vừa được ươm trồng. Đó là công trình của Đoàn Thanh niên trên đảo.
Nhưng tới Sơn Ca thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Ngay từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy một vùng đảo với mướt mát cây lá, giống như một ốc đảo xanh bình yên giữa biển khơi. Sau này, tới các đảo khác, đặc biệt là Trường Sa lớn, càng ngạc nhiên hơn bao giờ hết, bởi giữa trùng khơi mênh mang, giữa những cơn bão biển quật ngã được cả những ngôi nhà giàn sừng sững, những mầm sống vẫn vươn lên mạnh mẽ.
“Đó thực sự là một kỳ tích”, Thượng tá Hồ Hoàng Tiến nói.
Ông bảo, giờ thì đúng là cuộc sống của những người lính đảo đã đỡ hơn rất nhiều, nhờ được Đảng, Nhà nước và người dân cả nước chăm lo, nhưng vẫn còn khó khăn, vất vả lắm. Những khó khăn, vất vả ấy, thật khó có lời nào kể xiết, mà thiếu điện, thiếu nước ngọt chỉ là một phần rất nhỏ. Mùa biển lặng đã khó, mùa biển động còn khó khăn, vất vả gấp bội. Giữa muôn trùng khơi, mưa bão cũng kinh, mà nắng nóng cũng ghê người. Đó là chưa kể nỗi cô đơn, niềm thương nhớ những đứa con thơ, những người vợ tần tảo sớm khuya nơi quê nhà.
Tôi đã bật khóc khi nghe Thượng úy Nguyễn Hồng Phong trên đảo Tốc Tan A kể rằng, đứa con 4 tuổi của anh có lần gọi điện ra cho bố mà chỉ nói đúng một câu: “Bố về xúc cháo cho con ăn”. Những lúc ấy, Phong bảo, chỉ biết nghẹn ngào nén thương nhớ vào trong tim, bởi anh còn nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng với Tổ quốc…
Sống trong điều kiện ấy, đôi khi khiến người ta dễ buông xuôi. Nhưng không, ở Trường Sa, những người lính vẫn tích cực tăng gia sản xuất. Đảo nào cũng có vườn, có chuồng, nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau. Vì thế, chúng tôi đã thấy ở đó không chỉ cây phong ba, mà cả phong lan vẫn nở hoa rực rỡ. Thấy những người lính trẻ khoe những cây rau mùng tơi lá rất to trên đảo. Thấy tiếng hát, tiếng cười, thấy những trận bóng đá vẫn được giao lưu giữa các ca trực đầy sóng gió. Thấy sách báo được mang ra chia sẻ. Thấy trên những hòn đảo thân thương này, có mái chùa cong cong bên rặng tre ngà, có tiếng gà gáy le te, tiếng lợn kêu ủn ỉn, thấy cả tiếng ê a đọc bài ở những ngôi trường dựng bên bờ sóng…
“Đó thực sự là một kỳ tích”, Thượng tá Hồ Hoàng Tiến cứ nhắc đi nhắc lại câu đó. Ông bảo, họ chính là “những cột mốc sống của Tổ quốc giữa trùng khơi”.
Sợ tôi không hiểu ý, ông giải thích cặn kẽ: “Lãnh thổ quốc gia được phân định bằng đường biên giới, cột mốc chính là biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Ở trên đất liền là vậy, còn ở trên biển, người ta đánh dấu chủ quyền bằng luật pháp, bằng tọa độ. Nhưng chỉ tuyên bố chủ quyền thôi thì chưa đủ. Phải có người sống ở đó. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân trên đảo chính là những cột mốc sống của Tổ quốc giữa biển khơi. Cả những ngư dân ngày đêm bám biển cũng vậy”.
Mỗi con người ở đó đang ngày đêm vững tay súng, chắc tay thuyền để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển Đông. Để cho tất cả cùng thấy, một sức sống tràn trề vẫn đang bừng lên, đầy ấm áp giữa trùng khơi sóng gió. Thấy “đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa ơi!”…
Thiêng liêng hai tiếng “tình yêu”
Chúng tôi ra Trường Sa, mà hẳn không chỉ đoàn chúng tôi, với ý niệm và mong muốn mang tình yêu ra đảo. Bởi thế, trong hành trang của cả đoàn, có những món quà nhỏ to khác nhau, từ những vật dụng cần thiết cho người lính trên đảo, đến những cân miến, cân măng, rồi cả những bịch giống rau, cả những đồng học bổng thảo thơm của Giải golf Vì trẻ em Việt Nam của Báo Đầu tư…
Nhưng rồi, sau hải trình 9 ngày trên biển, mới chợt nhận ra rằng, họ mới chính là những người mang tình yêu đến cho chúng tôi. Nhớ hôm còn ở trên đảo, nghe mấy cậu lính trẻ hát “Tuổi 20 trong cơn mơ còn gọi mẹ ơi”, ai cũng rưng rưng. Nhìn những cậu lính trẻ độ 19 - 20, mặt còn búng ra sữa, lông mi cong vút mà thương. Ở tuổi ấy, nhiều đứa trẻ ở thành phố vẫn còn đang đợi cha mẹ về nấu cơm cho ăn, giặt quần áo hộ… Thế mà ở đây, những đứa trẻ ấy, đang trở thành những người lính kiên cường, ngày đêm bảo vệ vùng trời biển bao la của Tổ quốc.
Trong suốt hải trình, tôi cũng đã nhìn thấy Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, gọi những người lính trẻ là “con”. Thấy vài người lính trẻ còn đứng ngoài khi cuộc giao lưu văn nghệ đã bắt đầu, ông vỗ vai bảo: “Con vào đi. Anh em văn công hát còn kém chú cháu nhà mình”. Nhìn cách ông nói, ông cười, thấy rất rõ trong tim người lính già mãi mãi một tình yêu với những người lính đảo.
Trong hải trình ấy, tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều giọt nước mắt, trong các lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa, lúc ở gần đảo Len Đao, khi ở gần Nhà giàn DK1. Không chỉ chúng tôi khóc, những người lính già cũng khóc, dù họ đã ra Trường Sa không biết bao nhiêu lần, và lần nào, cũng tham dự những lễ tưởng niệm ấy.
Chúng tôi khóc khi đêm về, phút chia tay quân và dân trên đảo Trường Sa, từng đoàn người xếp hàng dài dưới mạn tàu, hát vang những bản tình ca về Trường Sa, lưu luyến không rời. Khi tất cả cùng hô vang “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa yêu đất liền”, ai nấy đều nước mắt chảy dài, rưng rưng…
Và lặng lẽ rưng rưng khi mỗi sáng sớm, được nhìn thấy mặt trời đang từ từ ló dạng trên mặt biển. Thấy biển trời mênh mông, lúc xanh màu ngọc bích, lúc thăm thẳm màu cửu long. Thấy đảo, thấy biển, thấy trời đất này là của ta, thực sự là của ta. Lần đầu tiên, hiểu hơn bao giờ hết thế nào là tình yêu. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu những người lính Trường Sa, yêu chủ quyền và độc lập dân tộc…
Còn tôi, rất lạ, từ ngày ở Trường Sa về, lại có thêm một thói quen: mỗi tối, đều nghe dự báo thời tiết, xem ở Trường Sa ngày mai sẽ nắng hay gió, biển có động hay không. Và mỗi khi nghe tin có chiến sĩ trên đảo bị bệnh, phải đưa về đất liền chữa trị lại thấy đau trong tim. Càng đau hơn, khi nghe tin Trung Quốc đã lần thứ hai đưa tàu vào bãi Tư Chính…
Có lẽ là vì, chúng tôi đã hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “tình yêu” với Tổ quốc!