Việc ký nhiều FTA làm cho tác động đến một quốc gia cụ thể bị trung hòa dần và sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu thuế được giảm cho “cả làng". |
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, một trong những thành công trong hội nhập của Việt Nam thời gian qua là ta ký được nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
"Có thể nói quá trình hội nhập đó đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua. Nếu nhìn xa hơn 1 chút, từ 2001, ta có Hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)..., là những động lực cơ bản kéo nền kinh tế Việt Nam phát triển", ông Thắng nói.
Đặc biệt, nhìn vào bức tranh FTA, từ 2010 trở lại đây, Việt Nam đã ký tương đối nhiều, trong đó 2 FTA thế hệ mới được nhắc tới nhiều là EVFTA và CPTPP được kỳ vọng sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, với những lợi thế về thương mại, đầu tư, chuyển đổi công nghệ và hoàn thiện thể chế.
Ông Thắng chỉ rõ, các FTA này sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, với 4 mảng quan trọng, đó là tác động về thương mại, nhờ chi phí thương mại giảm xuống do thuế quan giảm sẽ dẫn đến tăng trưởng thương mại về xuất nhập khẩu giữa các nước tham gia ký kết và làm dịch chuyển thương mại từ các quốc gia khác vào các quốc gia nội khối.
Tác động thứ 2 là về đầu tư, vì nhà đầu tư sẽ nhìn FTA như một cơ hội cho họ cả về góc độ tăng trưởng lẫn thị trường. FTA sẽ kéo theo đầu tư vì có nhiều cam kết về đầu tư, mở cửa thị trường.
Tác động thứ 3 là về công nghệ, nhiều kỳ vọng FTA mang lại sức ép đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, nhưng đi kèm đó là cả tác động tiêu cực nếu không tuân thủ đúng cam kết, vì vướng quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ..
Tác động thứ 4 là câu chuyện đổi mới thế chế liên quan đến môi trường đầu tư. Các FTA này sẽ tạo sức ép để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện vấn đề về môi trường, lao động..Những thay đổi về mặt thể chế này cũng được kỳ vọng sẽ đem lại tăng trưởng về kinh tế.
Nhưng, đi sâu vào phân tích tác động thực chất của các FTA đã đi vào thực thi giai đoạn vừa qua, ông Thắng cho rằng, nếu nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam từ 2012 trở lại đây, nếu cho rằng, tham gia nhiều FTA là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro thì hầu như FTA chưa giúp được Việt Nam làm được điều này.
Cụ thể, trao đổi thương mại với phần còn lại của thế giới vẫn chiếm trên 20% trong giai đoạn 2012-2017, cho thấy cơ cấu chưa thay đổi nhiều, nhưng có thay đổi về xuất nhập khẩu với một số đối tác, tạm gọi là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, đó là EU, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Mỹ...Điển hình, cơ cấu xuất nhập khẩu với Hàn Quốc nhìn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA), nhập khẩu của nước ta từ Hàn Quốc tăng rất nhanh và thâm hụt thương mại cao.
Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua cũng không hoàn toàn do FTA mang lại và nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng thương mại thì chưa đầy đủ. Ông Thắng ước tính, với EVFTA, ngành da giày và dệt may có thể có thêm khoảng 600 triệu USD tăng thêm từ tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nhưng trong đó có phần lớn do ta chuyển hướng thị trường, tức là thay vì xuất sang các thị trường khác thì nay chuyển hướng xuất khẩu sang EU.
Thông thường với CPTPP và EVFTA, chúng tôi đều thấy rằng, tác động từ việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu là tương đối cao. Ông Thắng khẳng định.
Điều này cho thấy, việc tạo thêm thương mại do tác động từ các FTA mang lại không phải là quá nhiều như con số mà ta thường nghe đến, mà một lý do quan trọng là ta ký quá nhiều FTA.
Dẫn chứng cho lợi ích mà FTA mang lại không phải là quá nhiều, ông Thắng cho biết: "Không riêng gì Việt Nam ký đâu, mà tất cả các nước trong khu vực cũng như vậy (Việt Nam ký 16 FTA, Thái Lan ký 23 FTA, Trung Quốc cũng tương đối nhiều). Chính việc ký nhiều các FTA làm cho tác động đến một quốc gia cụ thể bị trung hòa dần. Bởi hiểu đơn giản, khi mà giảm giữa 2 bên thì còn có tác động, còn khi giảm "cả làng" rồi thì tác động cũng không phải là quá nhiều.