Nhiều quy định pháp lý về xây dựng vẫn theo tư duy quản lý cũ, gây khó cho các nhà thầu. Ảnh: D.M |
Doanh nghiệp khổ vì “khoảng trống”
“Chúng tôi lại muốn được gặp Thủ tướng Chính phủ để đề xuất cơ chế cho doanh nghiệp xây dựng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam chia sẻ.
Dù được đề nghị chia sẻ về những vướng mắc pháp lý đang làm khó doanh nghiệp, song ông Hiệp lại muốn nói đến khoảng trống pháp lý mà ông cho là “vì các cơ quan hoạch định chính sách không hiểu đặc thù của ngành, nên 85% nhà thầu đang bị nợ đọng kéo dài”.
“Phần bị nợ đọng này chủ yếu rơi vào khoảng 20% cuối cùng của gói thầu, sau khi phần việc của nhà thầu đã xong, đợi các thủ tục để quyết toán. Nhiều người nói với chúng tôi, sao không vận dụng Bộ luật Dân sự. Có rồi, Tập đoàn Xây dựng Delta đã kiện ra tòa để đòi khoản nợ 67 tỷ đồng từ năm 2017, khi thực hiện một dự án xây dựng tòa nhà chung cư cao cấp ở Hà Nội, nhưng đến giờ là năm 2024 vẫn chưa đòi được”, ông Hiệp chia sẻ.
Khoảng trống pháp lý mà ông Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng nhắc đến là cơ chế bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng.
Theo ông Hiệp, các quy định liên quan đến hợp đồng, thủ tục, thanh quyết toán... của pháp luật về xây dựng vẫn theo tư duy quản lý từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi các dự án đầu tư xây dựng gần như chỉ sử dụng vốn nhà nước, do các cơ quan của nhà nước thực hiện. Hệ quả là, cho dù nhà thầu xây dựng phải “ứng trước, trả sau”, nghĩa là phải vay tiền, mua vật liệu để thi công, trả lương công nhân... rồi mới được chủ đầu tư thanh toán theo tiến độ, song các cơ chế đều nhằm bảo vệ chủ đầu tư, từ quy định về bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bão lãnh tạm ứng rồi bảo lãnh bảo hành công trình.
Cũng phải nhắc lại, vấn đề này đã được các nhà thầu xây dựng nói đến nhiều lần. Thậm chí, trong nhiều cuộc làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã gửi đi thông điệp rằng, nhà thầu đang ở tình thế “càng làm, càng lỗ, càng bị nợ nhiều”. Thậm chí, lo ngại “không còn nhà thầu xây dựng của Việt Nam nữa” cũng đã được Hiệp hội gửi tới người đứng đầu Chính phủ khi các nhà thầu hàng đầu của Việt Nam đều đang ở tình trạng nợ đọng, có doanh nghiệp nợ xấu chiếm tới 25%...
Khổ vì “quá nhiều” quan tâm
Phải thẳng thắn, trong hơn chục năm trở lại đây, hoạt động cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh được tiến hành một cách mạnh mẽ. Trong quá trình này, theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), những thay đổi trong tư duy soạn thảo của các nhà hoạch định chính sách thể hiện rất rõ nét.
- Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam
Cụ thể, đã có những bước chuyển tích cực, trong đó nhiều tư tưởng cải cách đã được thể hiện rõ rệt trong các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh, như hàng loạt rào cản kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ, hoặc đơn giản hóa; thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, minh bạch, rõ ràng hơn.
“Thể chế hành chính nhà nước đúng là đang tiến gần tới bản chất của ‘nhà nước phục vụ’. Tuy nhiên, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những chính sách, quy định đang soạn thảo, chúng tôi nhận thấy, đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng tư duy nặng về quản lý. Thậm chí, có không ít can thiệp bất hợp lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước”, bà Hồng thẳng thắn.
Những tranh cãi về việc có phù hợp không khi “doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến khi chỉ thực hiện được 70% tổng số chuyến xe với nốt đã đăng ký” tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được VCCI làm nóng trở lại. Theo các chuyên gia pháp chế của VCCI, đây là dạng can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Bởi vì, tùy theo tình hình của thị trường, doanh nghiệp không thể lúc nào cũng có thể khai thác được trên 70% tổng số chuyến xe.
Thậm chí, các chuyên gia VCCI đang phải đặt câu hỏi “có nhầm lẫn không” khi điểm danh quy định điều kiện kinh doanh với đơn vị tổ chức biễn diễn tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hoạt động này được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song các điều kiện lại quy định cho từng hoạt động. Nghĩa là, chủ thể kinh doanh không phải đáp ứng điều kiện kinh doanh gì, chỉ khi nào tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì mới phải xin giấy phép cho hoạt động kinh doanh đó.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp lý của VCCI cũng thừa nhận, không hiểu mục tiêu quản lý là chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay là sản phẩm của hoạt động kinh doanh trong quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP.
“Chúng tôi đồng ý là quản lý hoạt động biểu diễn, nhưng phải làm rõ là quản lý từng hoạt động, chứ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thống nhất tuân thủ theo quy định của Điều 7, Luật Đầu tư về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, rất nhiều ngành nghề kinh doanh phải được đưa ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện...”, ông Đức phân tích.
Bóc tách tư duy
Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2023 (do VCCI thực hiện, vừa được công bố cuối tháng 4/2024), có một phần riêng liệt kê những trường hợp “nặng về tư duy quản lý, thay vì tư duy phục vụ” từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Hàng loạt biện pháp chưa phù hợp, không rõ mục tiêu quản lý, thậm chí là quá mức cần thiết, khiến gánh nặng chi phí đè lên doanh nghiệp được điểm danh.
Chẳng hạn, để xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, doanh nghiệp phải có đến 3 loại giấy phép; hay theo Thông tư số 33/2023/TT-BTC về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ phải chịu sự kiểm tra của hai cơ quan, tổ chức là cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa... Vấn đề là các thủ tục, quy trình này đều đã được phân tích là có thể rút gọn hoặc sửa đổi. Đáng nói là, rất nhiều văn bản đang ở dạng dự thảo cũng được nhắc tên.
Rất có thể, trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm tới của VCCI, nhiều vướng mắc pháp lý sẽ lại được nhắc tới.