Thời sự
Những yếu tố tạo đà cho tăng trưởng năm 2015
Nguyên Đức - 03/01/2015 07:49
() Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp Xuân mới, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, những thành quả đã đạt được trong năm 2014 sẽ tạo đà và khí thế mới cho thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội khánh thành 3 công trình trọng điểm quốc gia, tạo trục đường thịnh vượng mới
Xuất khẩu nắm cơ hội vàng 2015
Bất động sản 2015 sẽ khởi sắc
Năm 2015, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
Quyết nghị nhiều vấn đề hệ trọng của kinh tế - xã hội 2015

Thưa ông, nền kinh tế Việt Nam vừa có một năm thành công, với tăng trưởng GDP đạt 5,98%, còn lạm phát là 1,84%. Ông bình luận gì về những con số này?

Gần 6% là mức tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Con số này đã cao hơn mức tăng trưởng 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012. Như vậy, 3 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế đã năm sau cao hơn năm trước. Thêm vào đó, nếu như năm 2013, tăng trưởng GDP chỉ tăng 0,17 điểm phần trăm so với năm 2012, thì năm 2014 đã tăng 0,56 điểm phần trăm so với năm trước. Trong một năm mà đạt được mức tăng như vậy là rất đáng kể.

Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh

Trong khi đó, với chỉ số lạm phát, đúng là từ hồi đầu năm, không ai nghĩ chúng ta có được mức lạm phát tốt và ổn định như vậy. Lạm phát thấp không phải do sức cầu của nền kinh tế yếu, mà chủ yếu do yếu tố cầu kéo, do giá xăng dầu, gas điều chỉnh mạnh theo giá thế giới, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý…

Mặc dù lạm phát thấp, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng 6,25% (sau khi trừ yếu tố giá cả), tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn năm trước, vì thế, đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, kích thích tiêu dùng; tạo điều kiện để chúng ta thực hiện tốt hơn các chính sách tiền tệ tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Hơn nữa, nếu tính trung bình, thì lạm phát của Việt Nam vẫn là 4,09%, không phải là một con số thấp.

Theo ông, đâu là các yếu tố mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 6% cho năm 2014?

Trong tăng trưởng kinh tế của năm 2014, đóng góp của khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến - chế tạo là rất lớn. Như đã nói ở trên, lạm phát thấp là yếu tố quan trọng làm giảm chi phí đầu vào, qua đó đẩy giá trị gia tăng của khu vực này lên cao. Khu vực nông - lâm nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, riêng năm 2014 đã có thêm gần 1 triệu tấn lương thực.

Hơn nữa, trong khi thị trường trong nước khởi sắc, thì xuất khẩu cũng đã tăng trưởng mạnh. Năm 2014, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 150 tỷ USD. Đây là một dấu mốc rất quan trọng. Và không chỉ xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà cả khu vực trong nước cũng đã tăng trưởng tốt, tăng tới 10,4% so với năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang phục hồi.

Tôi cũng muốn nói thêm là, năm 2014, Việt Nam tiếp tục có xuất siêu và xuất siêu lớn, lên tới 2 tỷ USD, góp phần quan trọng ổn định giá trị đồng nội tệ, ổn định tỷ giá và tác động tích cực tới cán cân thanh toán quốc tế.

Cùng với đó, cũng phải nhắc tới việc dư nợ tín dụng tăng 13%, nợ xấu giảm còn 3,8%.

Năm 2014 đúng là một năm thành công của Việt Nam, tạo khí thế và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.

Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%. Vậy đâu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015 này?

Động lực tăng trưởng chính vẫn là khối doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Muốn doanh nghiệp phát triển thì phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 là người dân được làm những gì mà Nhà nước không cấm.

Năm 2014, chúng ta đã thông qua được nhiều dự luật quan trọng, tác động tích cực tới sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh... Những đạo luật này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh việc tạo khung khổ pháp lý, thì chúng ta cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về nợ và vốn cho doanh nghiệp. Có vốn, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng thưa ông, nhiều dự báo gần đây cho thấy, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, với sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi còn chậm. Trong khi đó, giá dầu vẫn đang lao dốc và nhiều khả năng tiếp tục hạ. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu tăng trưởng 6,2% năm 2015 của Việt Nam?

Đúng là kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2015, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội cho Việt Nam. Chẳng hạn, năm nay, chúng ta có thể hoàn tất đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, EU, Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Các nhà đầu tư sẽ tăng cường nhập thiết bị, máy móc, xây dựng nhà máy để đón đầu cơ hội và đây là dịp để chúng ta tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sức mua năm 2014 đã tốt sẽ càng tốt hơn trong năm 2015. Giá xăng dầu giảm, người dân có thêm tiền để chi tiêu, tăng tổng cầu, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Giá dầu thấp tất nhiên có tính hai mặt của nó, khiến Việt Nam bị ảnh hưởng trong thu ngân sách, nhưng chúng ta vẫn có cách khác để bù vào. Ngược lại, giá dầu thấp sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, đạt giá trị gia tăng cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người lo giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, nhưng tôi lại cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn. Nếu giá dầu cứ duy trì xu hướng như hiện nay, thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 này.

Trong khi đó, cùng với việc cải cách thể chế kinh tế, nỗ lực tạo dựng hệ thống doanh nghiệp nội địa có sức cạnh tranh cao hơn, thương hiệu tốt hơn, quy mô lớn hơn, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam sẽ có những nền tảng cơ bản và quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác