Doanh nghiệp
Niềm tin kinh doanh đang cần thêm chỗ dựa
Khánh An - 21/11/2022 09:09
Khơi lại tâm lý tích cực và động cơ kinh doanh là đề xuất của cả doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu đối với các nhà hoạch định chính sách.
Các doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn khi dòng tiền cạn, quy trình hoàn thuế VAT phức tạp và kéo dài. Ảnh: Đức Thanh

Chìa khóa vẫn là cơ chế, chính sách minh bạch, tiên liệu được và doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm.

Doanh nghiệp rất tâm tư

“Vừa rồi, có người đứng lên có ý kiến, mà không dám nói mình đến từ doanh nghiệp bất động sản. Tại sao vậy, kinh doanh bất động sản là ngành nghề pháp luật không cấm, doanh nghiệp được phép làm, nhưng chỉ vì sai phạm của một số doanh nghiệp, mà giờ cứ thấy nói đến bất động sản, là thấy rủi ro”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề cuộc gặp giữa doanh nghiệp và lãnh đạo nhà nước vừa diễn ra.

Trong cuộc gặp đó, bà Huệ đã gửi đi mong muốn rằng, đừng nhìn doanh nghiệp là rủi ro, là con sâu làm rầu nồi canh, đừng hình sự hóa để đưa ra những chính sách siết chặt thái quá. Trong bối cảnh kinh doanh đang đối mặt với những thách thức rất lớn, thì những động thái chính sách này đang làm khó cả cộng đồng kinh doanh.

Trong lĩnh vực logistics, bà Huệ cho biết, vừa rồi, Công ty đã tổ chức họp trực tuyến trên phạm vi cả nước để bàn về kế hoạch tồn tại, chứ không phải là phát triển. Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành này đang chứa đựng quá nhiều thách thức. Hai tháng gần đây, tình trạng thiếu hụt xăng dầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải - một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó là những khó khăn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như đơn hàng giảm, nhất là từ các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, EU, do người tiêu dùng ở các nước này đang tập trung vào nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, thay vì các mặt hàng khác mà Việt Nam có thế mạnh. Tại cảng Cái Mép - Thị Vải, tàu đi EU bị cắt giảm, có thể tới 50%, tình trạng dư thừa vỏ rỗng rất nhiều, không có chỗ chứa...

Đó là những thông tin mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã gửi tới Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để tổng hợp, gửi Thủ tướng Chính phủ. Đáng nói là, khó khăn không giới hạn trong ngành, lĩnh vực nào. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đặc biệt lo ngại khi việc tiếp cận vốn rất khó khăn.

Trước đây, các doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký để vay vốn, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp cho biết, dù phòng giao dịch thông qua hồ sơ, nhưng khi hồ sơ lên tới hội sở ngân hàng thì không được giải ngân…

Các doanh nghiệp ngành gỗ còn khó hơn khi dòng tiền cạn, nhưng quy trình hoàn thuế VAT phức tạp và kéo dài. Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng thuế VAT mà các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng, có doanh nghiệp chưa được hoàn tới 200 tỷ đồng, trong khi theo quy định, thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày…

Quan trọng nhất là thông điệp chính sách rõ ràng

Các nhóm đề xuất chính sách mà Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh gửi Thủ tướng Chính phủ, gồm nới room tín dụng thêm 2% để có dòng tiền, không hình sự hóa các vụ án kinh tế, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như các ngân hàng thương mại đã làm, nghĩa là xây dựng và công khai đề án tái cấu trúc nợ.

Ông Hồng Anh cũng nhắc đến đề xuất lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 500.000 tỷ đồng như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Cùng với đó là đề nghị cho phép các nhà đầu tư không chuyên nghiệp tiếp tục tham gia thị trường trong vòng 1 năm, trước khi thu hẹp lại một cách từ từ…

“Quan trọng nhất là khơi lại tâm lý tích cực của nhà đầu tư”, ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.

Đây cũng là điều ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vào thời điểm này. “Không cần nói doanh nghiệp tư nhân cần làm gì. Chỉ cần thông điệp chính sách rõ ràng, tăng niềm tin cho thị trường, các doanh nghiệp sẽ có động lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, huy động vốn… Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ ổn định trở lại”, ông Cung chia sẻ.

Đây không phải là yêu cầu mới, nhưng việc thực hiện trên thực tế dường như chưa đáp ứng được mong đợi của các doanh nghiệp. Thậm chí, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam còn lo ngại hơn. “Gần đây, nhiều văn bản ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, nhưng không lấy ý kiến doanh nghiệp một cách rộng rãi, khiến các hiệp hội doanh nghiệp phải gửi cả văn bản lên Quốc hội, ngay khi Quốc hội đang thảo luận để thông qua”, bà Huyền lo ngại.

Bà Huyền muốn nhắc đến là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặc dù Luật đã được thông qua với phần đối tượng điều chỉnh đã không còn khu vực doanh nghiệp tư nhân như Dự thảo trình Quốc hội, đúng như đề nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, song giả thuyết đưa ra là, nếu các doanh nghiệp không kịp có thông tin, thì sẽ thế nào.

“Nhiều khi chúng tôi gặp khó khăn trong thực thi, gửi văn bản hỏi các cơ quan thì được trả lời là lên trang web của bộ mà xem. Hay là thủ tục thì áp dụng trực tuyến, nhưng doanh nghiệp vừa phải khai báo trực tuyến, vừa phải mang hồ sơ gốc lên cơ quan nhà nước đợi được đối chiếu, chi phí đội lên gấp đôi”, bà Huyền chia sẻ.

Với các doanh nghiệp ngành logistics, những chậm trễ trong triển khai các kiến nghị của doanh nghiệp cũng đang đẩy chi phí hoạt động lên cao. Các doanh nghiệp cho biết, Dự thảo điều chỉnh Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển tại Việt Nam theo quy định tại Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 đã được các bộ, ban, ngành nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp nhiều lần, nhưng chưa triển khai áp dụng.

Giá bốc xếp container của hãng tàu nước ngoài trả cho cảng theo hợp đồng dài hạn 1-3 năm hiện chỉ bằng 40-50% giá bốc xếp của khu vực và bằng khoảng 30-40% mức phí điều hành bến bãi (phí THC). Trong khi đó, giá bốc xếp theo thông lệ quốc tế và quy ước của Hội đồng Hiệp hội Chủ tàu quốc gia châu Âu và Nhật Bản (CENSA) vào khoảng 80% phí THC mà các hãng tàu nước ngoài đang thu khách hàng xuất nhập khẩu.

Vấn đề là các hãng tàu nước ngoài đang thu phí THC cao, nhưng trả cho các cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp. Sau 15 năm, mức phụ phí THC mà các hãng tàu thu đã tăng 2,5 lần, trong khi biểu giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển lại giảm đi 30-40%...

Hay như lý do chậm hoàn thuế VAT của nhiều doanh nghiệp gỗ có phần nguyên nhân là việc xác minh nguồn gốc gỗ khiến thời gian kéo dài, còn quy trình phức tạp, nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cho biết, nhiều yêu cầu chi tiết trong việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu của cơ quan thuế đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không sát thực trạng của chuỗi cung hiện tại…

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị

- TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Động cơ kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp không phải là niềm tin, mà là hiệu quả, lợi ích, lợi nhuận. Nhưng Nhà nước, với tư cách là người xây dựng luật chơi, phải để nhà đầu tư tự tin với các quyết định đầu tư, yên tâm với các bài toán kinh doanh có lãi, ít nhất là hòa chứ không thể lỗ.

Có nghĩa là, niềm tin mà nhà đầu tư, doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, dự đoán được… Nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi tư duy quản trị, chấp nhận sự giám sát của xã hội, xác định rõ hậu quả của những sai phạm là một đêm có thể trắng tay. Bên cạnh chế tài nghiêm khắc với các doanh nghiệp vi phạm, cần có cơ chế để những người vấp ngã có thể đứng lên, khởi nghiệp lại…, với một tư duy quản trị hoàn toàn khác, tuân thủ pháp luật.

Cũng có câu hỏi dành cho các nhà hoạch định chính sách

- Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Bên cạnh nỗi lo khó khăn trước mắt, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… Thời điểm phục hồi có thể là 6 hay 12 tháng tới như nhiều dự báo, nhưng quan trọng là doanh nghiệp chuẩn bị cho sự phục hồi thế nào, vì lúc này, không có thị trường nào dễ dãi nữa.

Tuy nhiên, cũng có câu hỏi dành cho các nhà hoạch định chính sách, đó là liệu các nguồn vốn đầu tư tư nhân như đã đăng ký, thống kê đã thực sự đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh để tạo ra sản lượng và giá trị gia tăng cho nền kinh tế hay không? Cách thức phân bổ, bơm vốn như thời gian qua đã hợp lý chưa, đã đến được các doanh nghiệp cần nhất chưa? Cần có biện pháp nào để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn trước sự chèn lấn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn?
Tin liên quan
Tin khác