Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các thành viên Đoàn công tác số 8 tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa tháng 5/2022 |
Lời thề giữ biển, đảo
“10. Giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, không làm điều gì hại tới danh dự của Quân đội và quốc thể nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Xin thề!”
Lễ chào cờ trên các đảo của quần đảo Trường Sa luôn mang lại một cảm giác rất đặc biệt. Những tiếng “xin thề” vang vọng trên tiếng sóng, tiếng gió và nắng cháy của vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, thắp lên niềm tự hào, niềm tin với những người khách ra thăm đảo như chúng tôi về những người lính Hải quân đang chắc tay súng giữ biển, đảo quê hương.
Ngoài 10 lời thề danh dự của quân nhân Việt Nam, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa còn có thêm một lời thề nữa mà người lính nói bằng “tiếng của trái tim”, được coi là lời thề thứ 11. Đây là lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh nhân chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vào năm 1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc!”.
Sự kiện Gạc Ma 1988 đã rời xa, nhưng lời thề giữ biển, giữ đảo, cũng như các câu chuyện lịch sử về bảo vệ chủ quyền tổ quốc vẫn vẹn nguyên với những người chiến sĩ. Đại úy Đỗ Xuân Thanh (đảo Trường Sa) chia sẻ rằng, mỗi lời thề như một lời hứa của quân nhân đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân.
“Mỗi khi đứng trước lá cờ Tổ quốc, thực hiện nghi thức chào cờ khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với quần đảo Trường Sa, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng như tôi đều cảm thấy hãnh diện, vinh dự, rất tự hào và thấy một phần trách nhiệm của bản thân trong đó là hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện để bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, đại úy Thanh nói.
Đến với Trường Sa những ngày giữa tháng 5, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ, với nhân dân trên các đảo, tôi mới thực sự hiểu rõ hơn về “khí chất của người lính Trường Sa”. Khi được hỏi: “Em ra đảo có sợ không?”, những người lính mới chỉ đôi mươi đều chung câu trả lời: “Sợ gì anh!”.
Từ những sĩ quan “lấy đảo là nhà, biển cả là quê hương” tới những người lính trẻ, thì “vượt mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh” đã là lời thề của người chiến sĩ với Tổ quốc, với nhân dân.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Trần Thanh Tú, Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư xã đảo Song Tử Tây cho biết: “Hiện nay, tình hình Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhận thấy rõ vinh dự và trách nhiệm nơi tuyến đầu Tổ quốc, chúng tôi tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, quản lý tốt khu vực được phân công. Chú trọng công tác huấn luyện chiến đấu, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị. Chấp hành nghiêm các quy định, duy trì nghiêm kỷ luật, giải quyết tốt các mối quan hệ, xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt”.
Cũng theo ông Tú, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các bộ, ban, ngành, đồng bào cả nước, đặc biệt là sự quan tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân chủng Hải quân, cấp ủy đảng các cấp là nguồn lực vô cùng to lớn để cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trên đảo Song Tử Tây ra sức rèn luyện, học tập, thi đua lao động sáng tạo, xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị trên biển, sẵn sàng hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.
Chắc tay súng gìn giữ biển trời |
Niềm tin từ đất liền
Theo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố, trên Biển Đông có hai khu vực trọng yếu là eo Malacca và khu vực quần đảo Trường Sa. Hầu hết các tuyến đường không, đường biển qua Biển Đông đều phải đi qua hai khu vực này. Nếu giành quyền kiểm soát được một trong hai khu vực này, sẽ trực tiếp khống chế được toàn bộ khu vực từ eo biển Malacca đến Nhật Bản, khống chế được nhiều tuyến giao thông đường không, đường biển từ Singapore sang Hồng Kông, từ Quảng Đông (Trung Quốc) đến Manila (Philippines), thậm chí từ châu Phi sang châu Á, từ Đông Á sang Nam Á…
Với tính chất chiến lược đó, dễ hiểu vì sao khu vực quần đảo Trường Sa nhận được sự chú ý của nhiều nước, không chỉ những nước có tuyên bố chủ quyền. Cũng vì vậy, nhiệm vụ “bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa” của những người lính đảo càng trở nên vinh dự và thiêng liêng.
Tình cảm nơi đất liền là nguồn động lực rất lớn để các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Cùng với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Quân đội, giờ đây dấu ấn đất liền trên các đảo đã hiện rõ nét. Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ 9 công trình trên quần đảo Trường Sa; công trình Bệnh xá đảo Nam Yết được thực hiện bởi khoản tiền do cán bộ, chiến sĩ, nhân dân TP.HCM đóng góp; hệ thống máy lọc nước biển đóng chai, xuồng máy… là các món quà tặng của các doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài.
Ngoài những đóng góp vật chất thông qua nhiều phong trào như “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Trường Sa xanh”, “Chung tay thắp sáng Nhà giàn DKT”…, thì điều đáng chú ý hơn là các đoàn công tác của nhân dân cả nước và kiều bào được tổ chức thường xuyên để thăm, động viên chiến sĩ và nhân dân bám đảo.
Theo Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, việc mang hơi ấm từ đất mẹ là nguồn cổ vũ, động viên quân và dân trên đảo yên tâm phấn khởi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát triển huyện đảo anh hùng
Vững vàng nơi đầu sóng, Trường Sa giờ đây đang vươn mình trở thành một huyện đảo phát triển, thắm tình quân dân. Tại Thị trấn Trường Sa và 2 xã đảo gồm Song Tử Tây và Sinh Tồn đều có âu tàu cho ngư dân cập đảo, trạm thông tin liên lạc, truyền hình vệ tinh, trạm khí tượng thủy văn, trạm xá, trường học…
Trên huyện đảo Trường Sa, những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với thực tiễn, đi vào hoạt động hiệu quả, đã tạo nên một Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp cảnh quan, môi trường, mẫu mực tình đoàn kết quân dân”.
Theo báo cáo, huyện đảo Trường Sa thường xuyên quan tâm sửa chữa nhà ở, bổ sung đồ dùng sinh hoạt cho 100% hộ dân; đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, điện, trường, trạm nâng cao đời sống quân, dân trên các đảo.
Huyện đảo còn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang bị y tế; thường xuyên khử trùng nơi ở và làm việc của cán bộ, nhân dân; chú trọng tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh…, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; coi trọng phát huy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; duy trì đội văn nghệ quần chúng; tích cực giao lưu văn nghệ với các đơn vị đóng quân trên các đảo; tổ chức dâng hương chùa, đài tưởng niệm và nhiều trò chơi dân gian trong dịp lễ, Tết cổ truyền… Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ổn định tư tưởng, yên tâm công tác; có cuộc sống văn hóa, văn minh, hạnh phúc.
Bằng quyết tâm chính trị, mồ hôi nước mắt của hàng vạn người, giờ đây, khung cảnh huyện đảo Trường Sa như những viên ngọc xanh trong nắng gió; thông tin liên lạc thông suốt; có đủ điện, trường, trạm, nước ngọt; nhân dân đang được hưởng một cuộc sống yên bình không khác nhiều so với đất liền. Đó là nền tảng quan trọng tạo niềm tin, động lực vững chắc cho quân, dân huyện đảo nêu cao quyết tâm xây dựng, giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo; xây dựng huyện thành pháo đài vững chắc, cột mốc chủ quyền quốc gia trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.