Doanh nghiệp
Nội chiến sau M&A
Anh Vũ - 12/09/2015 10:07
Mua bán - sáp nhập (M&A) hiệu quả chưa bao giờ là việc dễ ngay cả với doanh nghiệp lớn, nên càng khó với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn quản lý Á Châu (ngồi giữa) trong vai trò CEO sẽ tham gia xử lý tình huống tuần này

“Những kỳ vọng về sự hợp tác giữa Bibica - Lotte không diễn ra như mong muốn, đi ngược lại với mục đích ban đầu”. Đây là lời của ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica về thương vụ hợp tác với Lotte cách đây 7 năm.

Khi mời tập đoàn lớn này làm đối tác, Bibica kỳ vọng có sự hợp tác toàn diện, từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập khẩu… Nhưng vài năm sau, Lotte luôn có động thái muốn biến Bibica thành công ty con của họ. Lotte muốn khai thác Bibica thành công ty chuyên sản xuất, phát triển thương hiệu cho mình. Điều này thể hiện rõ khi Bibica đầu tư dây chuyền thiết bị Lotte pie, nhưng không được phép khai thác sản phẩm mình mong muốn, chỉ sản xuất sản phẩm của Lotte, đồng thời không tác động được yếu tố đầu vào, cũng không thể đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất dây chuyền.

Ngoài ra, còn dự án ở Hưng Yên vẫn trong tình trạng dậm chân tại chỗ từ năm 2008. Theo kế hoạch, Bibica sẽ đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, nhưng phía Lotte lại áp đặt, muốn Bibica khoanh vùng nghiên cứu thị trường dựa trên các sản phẩm có sẵn của Lotte. Điều này hạn chế khả năng sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Một số nhà đầu tư trong nước muốn ra tay nhằm cứu vãn tình thế.

Sau sự cố đình đám về mối lương duyên của cặp đôi này, đã có những nhiều bình luận bức xúc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đa số đều có quan điểm, nên tránh chọn cổ đông chiến lược là các công ty của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Họ muốn mua tài sản rẻ nên sẽ chuyển giá để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục và nhanh chóng thâu tóm. Công ty CP nước giải khát Sài Gòn - Tribeco là một ví dụ điển hình không kém Bibica khi đánh mất mình trong thương vụ hợp tác với Công ty Uni-President Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan).

Ở những doanh nghiệp lớn đã vậy, nên với những doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng khó xoay chuyển tình thế hơn. Cách đây 3 năm, một công ty thực phẩm, đồ uống ở Hà Nội bắt tay với một đối tác của Malaysia thiết lập liên doanh. Sau đó quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty này phát sinh nhiều chuyện, hầu hết các sản phẩm của công ty đều được đưa ra thị trường thông qua công ty mẹ và dưới thương hiệu của công ty mẹ. Đặc biệt, công ty mẹ định giá thương hiệu của mình cao và cố gắng giữ lại phần lợi nhuận càng nhiều càng tốt, nên đã khống chế giá thu mua sản phẩm thấp. Để có chi phí duy trì hoạt động, công ty buộc phải tính đến việc giảm bớt quy trình, tiết kiệm chi phí tối đa, giảm giá thành sản xuất. Nhưng CEO của công ty nhận thấy nếu làm vậy sẽ giảm chất lượng sản phẩm, mất uy tín và có nguy cơ bị bật khỏi thị trường.

CEO cho rằng, công ty đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ đầu vào đến đầu ra. Đầu vào thì các đối thủ không ngừng nâng cấp công nghệ, liên tục nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mới và hấp dẫn. Trong khi đó, đầu ra thì liên tục bị công ty mẹ  ép giá.

“Chúng tôi không đủ nguồn lực để bám trụ, năng lực cạnh tranh ngày một sa sút. Công ty mẹ cần đầu tư thêm để nâng cấp và cải tiến công nghệ cho công ty con. Đặc biệt, họ cần thay đổi chính sách giá, giảm áp lực lên công ty con”, CEO cho biết.

Tuy nhiên, đại diện công ty mẹ cho rằng, việc không cạnh tranh được có thể đến từ những yếu kém trong điều hành sản xuất, kinh doanh dẫn tới chi phí cao. “Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ hoạt động của công ty con, nhưng họ vẫn chưa làm hết sức để xoay chuyển tình thế. Nếu sắp tới, công ty con không cải thiện được tình hình thì có thể công ty mẹ sẽ rút vốn và bỏ liên doanh”, đại diện công ty mẹ cho hay. Đây là tình thế CEO không hề mong muốn và buộc phải có cuộc họp gấp vào cuối tuần này với đại diện công ty mẹ để thương thảo.

Tin liên quan
Tin khác