Viễn thông - Công nghệ
“Nóng” M&A trong lĩnh vực công nghệ
Hữu Tuấn - 18/01/2022 14:05
Năm 2022, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục bùng nổ, thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài vào các lĩnh vực hấp dẫn.

Ngành “hot” trong bối cảnh dịch bệnh

Báo cáo của Công ty tư vấn KPMG Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, công nghệ đã trở thành một những ngành quan trọng bùng nổ các thương vụ M&A, với số thương vụ tăng từ 22 năm 2020 lên 42  năm 2021 và đóng góp gần 1 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Hàng loạt giao dịch bom tấn gây sự chú ý của thị trường đã được thực hiện, như Momo (vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt đầu năm 2021 và 200 triệu USD vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Mizuho vào tháng 12/2021), Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt), Equest (gọi thàng công 100 triệu USD)… Đáng chú ý là, các start-up như Loship, Citics, Sky Mavis... đã công bố gọi vốn thành công đến 2 lần trong năm qua.

“Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam là rất lớn. Gần đây, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đến Internet economy, fintech, edutech, media tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn KPMG Việt Nam cho biết.

Ông Ái cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm khởi nghiệp kế tiếp ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nhờ tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, tầng lớp trung lưu có thu nhập ngày càng tăng, nguồn nhân lực trong nước ở khối ngành công nghệ dồi dào, tư duy kinh doanh và khởi nghiệp không ngừng phát triển, cũng như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ Chính phủ.

Năm 2022, KPMG dự báo mức đầu tư sẽ tăng 150% trong lĩnh vực công nghệ, chạm mức 2 tỷ USD.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, giai đoạn 2019 - 2021, đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn, như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Temasek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capital đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group...

“Trong 2 năm gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, đó động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A ngành công nghệ thông tin bùng nổ”, ông Tuyên nhận định.

Ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ nóng trong năm 2022?

Theo đánh giá của ông Tuyên, thời gian tới, công nghệ số là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số. Trong đó, thương mại điện tử, đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán, sẽ là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhiều nhất. Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới.

Các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022.

Ông Tuyên cũng cho rằng, thương mại điện tử sẽ là ngành thu hút M&A mạnh mẽ, nhưng cần lưu ý tình trạng “đội lốt”, mua giấy phép bằng việc thuê công ty Việt Nam đầu tư giấy phép, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Vì vậy, trong chính sách về đầu tư, rất cần lưu ý tới các vấn đề này.

Đại diện Vụ Công nghệ thông tin cũng chỉ ra hạn chế của hoạt động M&A lĩnh vực công nghệ, đó là các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, phần nhiều còn ở hình thức các công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính.

Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và sản phẩm công nghệ số phần lớn mới chỉ phục vụ thị trường trong nước, chưa nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu, nên hoạt động M&A chưa thực sự bùng nổ để tạo nên kênh huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

“Chất lượng hàng hóa của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự “khớp” với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ”, ông Tuyên nhấn mạnh.

KPMG Hàn Quốc cũng cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dành sự quan tâm lớn cho thương mại điện tử, fintech và logistics. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp “không tiếp xúc” (thuật ngữ được tạo ra trong đại dịch Covid-19, ám chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không yêu cầu phải có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng), nên triển vọng kinh tế trong dài hạn và số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh sẽ ngày càng tăng.

Ông Hồ Phi Ân, CEO của CTCP EI Industrial cho rằng, M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là điều rất đáng mừng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn.

Theo ông Ân, các công ty công nghệ có vòng đời nhanh và khi đã bước ra sân chơi thế giới thì không được phép sợ bị thâu tóm, bởi nếu mình không đủ giỏi và bị thâu tóm, qua đó giúp công ty phát triển hơn nữa thì cũng là điều bình thường. Bên cạnh đó, El Industrial cũng định hướng là đến một ngày nào đó sẽ thoái vốn ra khỏi công ty để theo đuổi các ước mơ, dự án khác.

“Các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp B2B. Trong 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 5 doanh nghiệp kỳ lân”, ông Ân dự báo.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cuộc cách mạng 4.0 là tích hợp nhiều công nghệ, nhưng Việt Nam thì chỉ là công nghệ số ở các lĩnh vực truyền thông. Các start-up ở Việt Nam có rất ít công nghệ năng lượng, sinh học... M&A công nghệ phải rộng hơn. M&A công nghệ bùng nổ vì đó là xu hướng không cưỡng được, dẫn dắt sự phát triển tương lai.

Ngoài ra, Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nên M&A được đẩy mạnh. Một vấn đề ở Việt Nam là tiền rẻ dần hết, các vụ M&A vừa rồi nhắm vào Việt Nam, nhưng chưa phải thị trường toàn cầu. Đây chính là các giới hạn của các start-up, cũng như M&A ở Việt Nam.

Theo khuyến nghị của ông Thành, muốn M&A theo hướng toàn cầu, phải nhìn lớn và phải xử lý 5 vấn đề.

Thứ nhất, vấn đề dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới và thuế.

Thứ hai, Việt Nam chưa thích hợp mô hình kinh doanh mới, đằng sau là tỷ lệ phần trăm của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, vấn đề huy động vốn, kể cả các hình thái quỹ đầu tư. Chúng ta đang xây dựng trung tâm tài chính. Doanh nghiệp mong muốn có thể huy động vốn ở trung tâm này ngay tại Việt Nam, thay vì phải sang Singapore.

Thứ tư, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, vấn đề công nghệ lõi và an ninh quốc gia.

“Tôi nghĩ, 5 vấn đề đều liên quan thể chế và không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới đang phải đối mặt”, ông Thành chia sẻ.

Có thể thấy rằng, năm 2022 là năm để hoạt động M&A bứt phá, vươn lên nhờ xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…), bán lẻ, logistics, giáo dục, y tế… Hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, gia tăng được tệp khách hàng mới, cũng như tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp. Chuyển đổi số làm tăng nhu cầu đối với các nền tảng số, các sản phẩm và dịch vụ số. Đây là môi trường rất tốt cho sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực này, cũng như gia tăng nhu cầu huy động vốn thông qua M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.

Tin liên quan
Tin khác