Viễn thông - Công nghệ
Ào ạt đổ vốn vào fintech Việt
Tú Ân - 05/10/2021 08:19
Đang có một dòng vốn lớn đổ vào lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) do các start-up Việt phát triển với nhiều động thái thú vị.


Nhận diện luồng vốn

VNLife (đơn vị sở hữu VNPay, VNTravel, Mytour, Teko, Phong Vũ, Sapo, POS365, iCheck, VnInvoice…) vừa huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do General Atlantic và Dragoneer Investment dẫn dắt. Hồi năm 2019, VNLife được cho là nhận 300 triệu USD từ Vision Fund của Softbank và GIC (Singapore). Tuy nhiên, Công ty không chính thức công bố vòng gọi vốn vào thời điểm đó.

Đến thời điểm này, các khoản đầu tư vào VNLife đã đảm bảo cho vị thế kỳ lân công nghệ thứ hai tại Việt Nam, sau VNG.

Trước đó, đối thủ cạnh tranh của VNLife là MoMo, vào đầu năm 2021 đã gọi vốn thành công vòng Series D với giá trị 100 triệu USD, nâng tổng số vốn gọi vào MoMo lên khoảng 232,7 triệu USD. Mới đây, MoMo cũng đã mua lại một công ty khởi nghiệp AI để tận dụng hơn nữa nguồn dữ liệu gồm 25 triệu người đăng ký.

Ngoài 2 thương vụ “khủng” kể trên, hàng loạt thương vụ rót vốn vào start-up fintech cũng được thực hiện trong thời gian vừa qua. Cùng thời điểm với thương vụ của VNLife, Funtap Corp đã thực hiện đầu tư chiến lược vào ứng dụng Tikop, một nền tảng fintech cung cấp dịch vụ tích luỹ và đầu tư chứng chỉ quỹ trực tuyến. Hay như mới đây, Do Ventures và Quỹ đầu tư mạo hiểm JAFCO Asia (Nhật Bản) đã thực hiện thương vụ đầu tư vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 1,5 triệu USD vào giải pháp tài chính bền vững Mfast của Công ty  DigiPay.

Vào đầu tháng 8/2021, Hãng viễn thông Taiwan Mobile công bố đầu tư 20 triệu USD vào Tiki Global - đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Tiki Việt Nam - trong vòng gọi vốn E.  Chiến lược đầu tư vào Tiki của Taiwan Mobile được cho là đẩy mạnh mảng thanh toán fintech vốn đang rất tiềm năng tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tháng 8, Tiki nhận được 94 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E.

Cụ thể, Hãng bảo hiểm AIA rót 60 triệu USD vào Tiki, song song với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, phân phối các sản phẩm bảo hiểm trên sàn thương mại điện tử này. Các quỹ đầu tư AppWorks, CE Fintech Capital, Nextrans lần lượt đổ 7,5 triệu USD, 5 triệu USD và 1,5 triệu USD vào Tiki.

Còn start-up Infina về đầu tư tài chính cũng vừa hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư gồm Saison Capital (Nhật Bản), Venturra Discovery (Indonesia), 1982 Ventures (Singapore), 500 Startups (Mỹ), Nextrans (Hàn Quốc).

Công ty tư vấn YCP Solidiance dự đoán, giá trị giao dịch của thị trường fintech Việt sẽ đạt mức 22 tỷ USD vào năm 2025, một mức tăng đột biến so với 9 tỷ USD đạt được vào năm 2019.

Cùng với xu thế đổ vốn vào start-up fintech Việt trong năm 2019-2020, có thể thấy, đang có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này. Cũng không khó để nhận ra các gương mặt rót vốn phần lớn thuộc về quỹ ngoại.

Nhiều cơ hội cho fintech phát triển

Hiện lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang tập trung vào các mảng chính là: thanh toán (31%), cho vay ngang hàng (17%), blockchain/tiền kỹ thuật số (13%), công nghệ POS (7,5%) và quản lý tài sản (7,5%)… Các nhà đầu tư ngoại đang thích thú với mảng thanh toán, cho vay trực tuyến, còn các mảng fintech như cho vay ngang hàng, blockchain, tiền kỹ thuật số khá mới mẻ, nên dòng vốn vẫn thận trọng.

Dẫn số liệu từ Statista - công ty chuyên nghiên cứu thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường thanh toán số Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 15 tỷ USD năm 2021, tăng 30% so với năm 2020 và tỷ lệ này sẽ được duy trì ít nhất trong 5 năm tới. Vì thế, có thể khẳng định, thị trường Việt Nam chưa đến mức bão hòa và còn nhiều cơ hội cho các fintech, ví điện tử phát triển.

Còn bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết, fintech là một ngành rất tiềm năng và đang phát triển mạnh cả trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

“Tôi thấy có nhiều cơ hội trong thị trường fintech và mong muốn tìm được cơ hội đầu tư vào những công ty fintech giàu tiềm năng”, bà Vy cho biết.

Nhận xét về xu hướng start-up fintech, ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc điều hành NextPay chia sẻ: “Thời gian tới, có thể thấy một số xu hướng sẽ phát triển trong lĩnh vực fintech như blockchain, các công ty thanh toán, các doanh nghiệp tài chính ứng dụng chuyển đổi số giúp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn và sự kết hợp giữa thanh toán trực tuyến với nhiều dịch vụ hơn, đặc biệt là nhóm phát triển bùng nổ trong lĩnh vực fintech hiện nay - các ngân hàng số”.

Ông Chris Sirise, Giám đốc Saison Capital thì nhận xét, mô hình start-up đầu tư vốn nhỏ qua nền tảng công nghệ đang trở thành xu hướng mới. Phân khúc start-up này cũng đang thu hút nguồn vốn lớn nhờ việc phá bỏ rào cản đầu tư.

Bình luận về xu hướng đầu tư vào fintech trong thời gian tới, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit đánh giá, lĩnh vực fintech vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế. Nhiều ví điện tử, trung gian thanh toán đang trong giai đoạn “đốt tiền để giành thị phần”, nên nhiều khả năng sẽ có những thương vụ lớn nổ ra trong thời gian tới.

Để thị trường fintech phát triển lành mạnh, theo ông Cấn Văn Lực, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính phủ và xã hội số, gồm cả các mô hình kinh doanh mới như fintech, cho vay ngang hàng, Mobile Money, tiền kỹ thuật số, insurtech, số hóa chứng khoán, proptech, cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, hệ sinh thái…

Cùng với đó, tạo điều kiện phát triển môi trường hoạt động trong lĩnh vực tài chính số theo hướng 3C: competition (cạnh tranh lành mạnh), cooperation (hợp tác giữa các thực thể, các thị trường) và collaboration (phối hợp giữa các đối tượng trên).

Theo Fintechnews, tính đến cuối năm 2020, có 123 công ty fintech đang hoạt động tại Việt Nam. Giai đoạn phát triển nhanh nhất của thị trường từ năm 2017-2020, khi số fintech tăng từ 44 lên 123 công ty. Nguồn vốn cho fintech chiếm 36% tổng số vốn tài trợ cho các start-up fintech ở ASEAN, với mức 435 triệu USD trong 2 năm 2019-2020.
Tin liên quan
Tin khác