Ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty NHP |
Về việc Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP (mã chứng khoán NHP) bị cơ quan thuế phạt 500 triệu đồng do hạch toán sai, trao đổi với phóng viên sáng nay (18/8), ông Lê Xuân Nghĩa cho hay, năm 2014, NHP mua lại DN của một nhà máy khác với giá 47 tỷ đồng. Sau khi trả tiền, lắp máy hoạt động năm đầu tiên đã xuất khẩu và có doanh thu 70-80 tỷ đồng, hệ thống khấu hao hoạt động ngay.
Tuy nhiên, mãi đến một năm sau Công ty mới hoàn thành được thủ tục sang tên. Tức trong năm đầu tiên không phải trích khấu khao, không phải nộp thuế mà phải đưa phần không trích khấu hao đó sang lợi nhuận, phải nộp thuế doanh thu.
“Theo nguyên tắc kế toán và kiểm toán thì sau khi hoàn tất việc mua bán tài sản và đưa vào sản xuất kinh doanh thì Công ty phải khấu hao tài sản đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam từ lúc hoàn tất thủ tục mua bán đến khi sang tên đổi chủ thường mất thêm một khoảng thời gian nữa. Điều này dẫn đến sự khác biệt khi áp dụng theo Luật Thuế. Chúng tôi đã trao đổi với Vụ Chính sách thuế và cho rằng cần khắc phục những trường hợp như vậy, để tránh DN bị thua thiệt về uy tín, bị mang tiếng gian lận thuế và không có tiền để tái đầu tư”, ông Nghĩa chia sẻ.
Cụ thể, theo Luật Kế toán, Công ty NHP phải trích ngay khấu hao tài sản cố định là nhà xưởng từ tháng 6 năm 2014. Nhưng theo cơ quan thuế, tại thời điểm đó công ty này chưa được trích khấu hao vì chưa có quyết định thu hồi đất và hợp đồng thuê đất với nhà nước.
Trước đó, đầu tháng này, cơ quan thuế đã công bố kết luận thanh tra thuế tại NHP. Theo đó, Công ty đã thực hiện mở sổ sách kế toán theo dõi, hạch toán kết quả kinh doanh theo quy định và cũng đã chấp hành các quy định về việc kê khai, nộp thuế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thuế, NHP vẫn còn tồn tại liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, NHP đã kê khai thuế giá trị gia tăng được khấu trừ tương ứng chi phí mua hàng hoá của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, không có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 điều 15 Thông tư 219 ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, công ty này còn kê khai chi phí mua hàng hoá của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, không đủ hồ sơ theo quy định, kê khai chi phí tài chính không phục vụ sản xuất kinh doanh trong kỳ thanh tra theo quy định, kê khai chi phí trích khấu hao nhà xưởng của tài sản chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty, chưa đủ điều kiện trích khấu hao theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, có thực tế hiện nay là DN thực hiện đúng pháp luật về kế toán nhưng lại không đúng về luật thuế. Với tình huống này, khi cơ quan thuế xử lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến DN, cả về uy tín và tài chính – vốn rất quan trọng trong bối cảnh thị trường hiện tại, bởi lỗi nhiều khi không phải do DN gây ra.
“Theo trình tự thì DN phải chấp hành luật kế toán trước, trên cơ sở đó ngành thuế mới bắt đầu tính thuế. Nếu vì xung đột luật mà áp dụng chế tài phạt DN là không nên, chúng ta phải bảo vệ sự phát triển của DN nếu DN không có dấu hiệu gian dối. Chúng ta đang khuyến khích các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, đang nỗ lực sửa đổi môi trường đầu tư, đang nuôi dưỡng nguồn thu nên với các vướng mắc của DN cần phải xem xét thận trọng", ông Nam nêu.
“Hiện nay, nhiều DN không dám nói lên sự thật khi vướng phải các tình huống xung đột Luật vì họ ngại và lo ảnh hưởng đến DN của mình. Quan điểm của tôi là phải gỡ bỏ những vướng mắc, đừng để DN sợ hãi”, ông Tô Hoài Nam nói.