Shein được định giá 66 tỷ USD trong lần gần đây nhất. Ảnh: AFP |
Đài CNBC dẫn nguồn thạo tin hôm 27/11 cho biết Shein - hãng bán lẻ thời trang được thành lập tại Nam Kinh, Trung Quốc - được định giá 66 tỷ USD trong lần gần đây nhất và có thể sẵn sàng giao dịch trên thị trường đại chúng ngay năm 2024.
Giới thạo tin hiện chưa xác định được mức định giá của Shein, nhưng việc định giá đang là tâm điểm tranh luận giữa Shein và các cố vấn mà công ty đang phối hợp thực hiện thương vụ.
Việc nộp hồ sơ kín là hoạt động thường thấy khi thực hiện thủ tục IPO vì nó cho phép các công ty liên hệ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) và thực hiện bất kỳ điều chỉnh cần thiết nào đối với hồ sơ niêm yết một cách kín đáo.
Trong vài tháng tới, Shein có thể sẽ điều chỉnh thủ tục giấy tờ của mình và phải trả lời nhiều câu hỏi của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ.
Hồ sơ niêm yết của Shein sẽ được công khai sau khi công ty này sẵn sàng tiến hành IPO. Vào thời điểm đó, những thông tin liên hệ với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ và mọi điều chỉnh đối với thủ tục giấy tờ của Shein cũng sẽ được công bố.
Shein có bước phát triển vượt bậc trong vài năm qua sau khi chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trên toàn cầu nhờ thiết kế hợp thời trang, chủng loại đa dạng và mức giá hợp lý. Tuy nhiên, Shein đã phải đối mặt với một loạt thách thức trong quá trình hoạt động, thậm chí đối diện với cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng, vi phạm luật lao động, gây tổn hại đến môi trường và đánh cắp thiết kế từ các nghệ sĩ độc lập.
Shein đang bị Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ điều tra và mối quan hệ của công ty này với Bắc Kinh đang bị giám sát chặt chẽ.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ, bao gồm 16 tổng chưởng lý của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ phải đảm bảo rằng Shein không dùng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng, trước khi được cho phép giao dịch ở Mỹ.
Tháng trước, ông Marcelo Claure, Phó chủ tịch Shein nói với đài CNBC rằng công ty này đang phối hợp với các nhà lập pháp Mỹ và dành thời gian gặp họ để lý giải về hoạt động kinh doanh.
Ông Marcelo Claure khẳng định "không có cái gọi là lao động cưỡng bức" trong các nhà máy của Shein mà ông đã đến thăm. Tuy nhiên, công ty này đã nhiều lần thừa nhận rằng lao động cưỡng bức đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng của mình và cho biết họ đang thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Khi Shein vươn lên từ một nhà bán lẻ vô danh của Trung Quốc thành "gã khổng lồ" trong ngành bán lẻ thời trang toàn cầu có trụ sở chính tại Singapore, công ty này vẫn chủ yếu thầm lặng. Hãng bán lẻ thời trang ít công khai thông tin hoạt động cho đến năm nay, khi họ bắt đầu mở cửa để vươn ra thị trường quốc tế, mà nỗ lực rõ rệt là việc chuẩn bị cho đợt IPO tại Mỹ.
Cùng với việc Giám đốc điều hành người Trung Quốc Sky Xu vẫn nắm quyền, Shein đã bổ nhiệm cựu chủ tịch ngân hàng đầu tư Bear Stearns, ông Donald Tang, làm Chủ tịch điều hành kiêm người phát ngôn vào đầu năm nay.
Gần đây, Shein đã mua lại khoảng 1/3 cổ phần tại tập đoàn Sparc - một liên doanh bao gồm công ty quản lý thương hiệu Authentic Brands Group và chủ sở hữu trung tâm thương mại Simon Property Group. Với động thái này, Shein thiết lập được một đồng minh hùng mạnh tại Mỹ, có thể giúp hợp pháp hóa hãng thời trang này trong mắt của các cơ quan chức năng Mỹ.
Theo thỏa thuận, Shein hợp tác với đối thủ cũ Forever 21 để ra mắt dòng quần áo đồng thương hiệu, mà trong đó Shein đảm nhiệm khâu thiết kế, sản xuất và phân phối quần áo chủ yếu trên website của mình. Chưa hết, Shein cũng đã tổ chức các sự kiện ngắn ngay bên trong các cửa hàng của Forever 21.
Được biết, Shein đã chọn Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley là những nhà bảo lãnh chính cho thương vụ IPO tại Mỹ.
Phía Shein đã từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đều chưa đưa ra bình luận.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc hôm 27/11 cũng đưa tin về việc niêm yết cổ phiếu của Shein tại Mỹ.