- Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài hầu tòa với vẻ ngoài tiều tụy
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 2: “Độc chiêu” thao túng công quyền
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 3: Giải mã tham nhũng đất công
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 4: Chặt đứt, chặn đứng tham nhũng
Ngày 16/9, sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân nhân TP.HCM đọc bản cáo trạng, Hội đồng xét xử tiến hành phần xét hỏi các bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Theo đó, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài là người được xét hỏi đầu tiên.
Trả lời trước Hội đồng xét xử, bị cáo Tài cho biết, khoảng cuối năm 2008 - 2009, ông được phân công phụ trách thêm mảng quản lý nhà đất, đô thị… Trong quá trình thực hiện thì có nhiều sở, ban, ngành tham mưu giúp việc cho ông, có cả Văn phòng UBND Thành phố. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường thì phụ giúp ông về việc thuê, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM trong phiên xét xử ngày 16/9. |
Liên quan đến việc thực hiện dự án xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), Chủ tịch UBND Thành phố lúc đó là ông Lê Hoàng Quân có chỉ đạo là thu hồi đất để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, không liên danh liên kết.
Tuy nhiên, phương thức đầu tư này không thể thực hiện được vì đây không phải là khu đất trống. Hơn nữa, Thành phố cũng luôn có mâu thuẫn giằng co với 4 công ty đang thuê đất ở đây là Công ty CP Kim Khí TP.HCM, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP.HCM, Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco. Theo đó, 4 công ty này không chịu giao đất và cũng không nộp tiền thuê đất.
Lúc đó, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM có văn bản đề xuất cho liên danh, huy động vốn đầu tư, và đã được Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt.
Sau khi nhận được bút phê của Chủ tịch UBND Thành phố về việc đồng ý cho liên danh, liên kết thực hiện dự án, ông Nguyễn Hữu Tín đã thành lập liên danh gồm Công ty quản lý kinh doanh nhà, Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM và Tổng công ty Công nghiệp TP.HCM, có pháp nhân chung là Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông.
Trước tình hình phức tạp như trên, bị cáo Tài đã ra công văn chấp nhận cho Công ty quản lý kinh doanh nhà liên danh cùng các công ty trên thuê, thực hiện dự án.
Cụ thể, ngày 17/8/2010, bị cáo có Công văn số 6025/VP-ĐTMT về việc chấp thuận đề xuất của Công ty kinh doanh quản lý nhà cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (Công ty Hoa Tháng Năm) do Lê Thị Thanh Thúy làm chủ sở hữu cùng tham gia dự án.
“Bị cáo có biết gì về Công ty Hoa Tháng Năm này không?”, HĐXX hỏi.
Bị cáo Tài trả lời rằng, bị cáo không biết gì về Công ty Hoa Tháng Năm này, mà công ty này cũng không gặp trực tiếp để xin tham gia dự án mà thông qua giới thiệu của Công ty quản lý kinh doanh nhà.
“Quá trình phát triển của công ty này như thế nào? được thành lập lâu chưa? Công ty đã làm bao nhiêu dự án rồi, bị cáo có biết không”, Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi.
Trả lời vấn đề này, bị cáo Tài thừa nhận, không nắm rõ các thông tin trên về Công ty Hoa Tháng Năm. Mãi sau này, khi cơ quan điều tra cung cấp thông tin thì mới biết.
Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 16/9. |
“Bị cáo là người quyết định trong vấn đề này nhưng bị cáo lại nói không nắm được thông tin là sao?”, HĐXX nhấn mạnh.
Lý giải vấn đề nội dung này, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM phân trần rằng, dự án này được bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài đến năm 2011. Đây là bước tiến lớn để Thành phố thu hồi mặt bằng, triển khai dự án.
Tuy nhiên, trước tình đó thì Công ty quản lý kinh doanh nhà lại báo rằng không đủ vốn. Bị cáo không muốn rằng việc áp lực về vốn trên là một nguyên nhân chính dẫn đến việc trì hoãn dự án.
Hơn nữa, bối cảnh kinh tế xã hội của Thành phố nói riêng và đất nước nói chung đang trong đà suy thoái. Theo đó, bị cáo muốn đẩy nhanh tiến độ dự án này để thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân và phát triển Thành phố.
Đối với việc ký Quyết định 3030/201, giao cho Công ty Lavenue sử dụng hơn 4.800 m2 đất đã thu hồi tại số 8 – 12 Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, bị cáo Tài khai việc ký quyết định này là có sự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, khi ký quyết định trên bị cáo cũng không hỏi ý kiến ai bằng văn bản, mà do bị cáo tự quyết định do bị cáo là người phụ trách chuyên môn lĩnh vực này.
“Lúc bấy giờ, bị cáo chỉ nghĩ đến việc chung là phát triển Thành phố chứ không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Rất mong Hội đồng xét xử minh xét”, bị có Tài nói.
Về mối quan hệ với bà Lê Thị Thanh Thúy, cựu Phó chủ tịch UBND TP cho biết, quan hệ bình thường như lãnh đạo TP.HCM với một doanh nghiệp. Không có tình cảm riêng như báo buộc trong cáo trạng. Lý giải thêm về mối quan hệ này, ông Tài cho biết, biết Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm từ năm 2007 thông qua mối quan hệ của ông với gia đình bà Thúy.
Sau đó, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo khác.
Trả lời trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) khai nhận, tất cả các tờ trình bị cáo Út soạn thảo, bị cáo Nam đều xem và ký nháy. Tuy nhiên, với sai phạm xảy ra tại nhà đất số 8 - 12 Lê Duẩn, nhận thức của bị cáo là trách nhiệm của Ủy ban, bị cáo không tham mưu gì sai trái.
“Bị cáo đã làm theo chức năng, nhiệm vụ của mình”, bị cáo Nam trình bày.
Về nội dung cáo trạng nêu hành vi của bị cáo, bị cáo Nam khai bản thân có sai sót. Cụ thể, tại thời điểm 4 công ty thuê nhà của Bộ Công thương chuyển sang hết cho Công ty Kinh Đô, dẫn đến việc giao đất không đúng đối tượng và phải đấu giá, nhưng lỗi của bị cáo chỉ là lỗi là không biết.