Doanh nghiệp
Pacific Airlines bay trở lại; SAM rút bớt 1 công ty con; Thời điểm tốt IPO Masan Consumer
Khánh An tổng hợp - 30/06/2024 09:52
Vietnam Airlines bắt tay Vinpearl tung combo du lịch; Masan lộ thời gian IPO Masan Consumer; SAM thoái toàn bộ vốn góp tại SAM Nông nghiệp Công nghệ cao; Dệt may Thành Công khai tử xưởng may 5 triệu sản phẩm ở Tây Ninh...

Pacific Airlines bay trở lại

Sau gần 3 tháng dừng bay, Pacific Airlines đã cất cánh trở lại từ ngày 26/6 trên một vài đường bay nội địa. Thông tin do Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) cung cấp.

Pacific Airlines đã cất cánh trở lại ngày 26/6.

Theo đó, Pacific Airlines sẽ khai thác hàng ngày các đường bay giữa TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Chu Lai với tổng số 6-8 chuyến bay mỗi ngày. Giai đoạn cao điểm, hãng sẽ tăng cường các chuyến bay giữa TP. HCM và Thanh Hóa, Vinh, Huế, Tuy Hòa.

Với lịch bay trên, hãng này ước tính sẽ cung ứng gần 1.000 chuyến bay, tương đương hơn 180.000 chỗ trong giai đoạn cao điểm du lịch. Doanh nghiệp sẽ đưa vào khai thác ba máy bay Airbus A321, trong đó hai chiếc có cấu hình 203 ghế (8 ghế thương gia, 195 ghế phổ thông) và một chiếc với 184 ghế (16 ghế thương gia, 168 ghế phổ thông).

Đại diện Pacific Airlines cho biết việc khôi phục hoạt động và các thay đổi trên là kết quả tích cực trong nỗ lực tái cơ cấu hãng, giúp hãng phục hồi nhanh chóng và phát triển ổn định. Tái cơ cấu là giải pháp hiệu quả giúp nhiều hãng hàng không trên thế giới vượt qua hậu quả của đại dịch Covid-19.

Lần trở lại này, hãng sẽ nâng cấp tiêu chuẩn, cung cấp dịch vụ hạng thương gia và phổ thông với tiêu chuẩn suất ăn, hành lý tương tự Vietnam Airlines. Hành khách cũng được phục vụ hệ thống giải trí và các dịch vụ trên không khác cùng với chính sách cộng dặm dành cho hội viên giống như Vietnam Airlines.

Trước đó, ngày 18/3, Pacific Airlines phải dừng bay sau khi trả hết tàu bay. Từ đó đến nay, hãng chỉ duy trì các hoạt động phục vụ mặt đất tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Pacific Airlines thành lập năm 1991, trải qua bốn lần tái cấu trúc. Ban đầu, cổ đông lớn nhất của hãng là Cục Hàng không dân dụng cùng 4 doanh nghiệp thành viên nắm đến gần 86,5% cổ phần. Năm 1993, Cục tái cơ cấu bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và chuyển toàn bộ cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines quản lý.

Đến năm 2006, Chính phủ lại giao Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập. Sau đó một năm, SCIC bán 18% cổ phần hãng bay này cho Tập đoàn Qantas (Australia) và Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific, (thành viên của Jetstar Airways). Đồng thời, Jetstar Pacific được định hướng trở thành hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2012, hãng bay giá rẻ lại về một nhà với Vietnam Airlines sau khi nhận lại phần vốn của SCIC. Từ cuối năm 2020, hãng trở lại với tên gọi Pacfic Airlines sau khi chia tay cổ đông Qantas. Đồng thời, hệ thống đặt vé cũng được chuyển từ Navitaire sang Sabre chung với Vietnam Airlines.

SAM thoái toàn bộ vốn góp tại SAM Nông nghiệp Công nghệ cao

Tổng giám đốc Sam Holdings đã quyết định thông qua thoái toàn bộ vốn góp tại SAM Nông nghiệp Công nghệ cao. Theo đó, Công ty sẽ bán 7,2 triệu cổ phần trong quý II/2024.

Sam Holdings đã quyết định thông qua thoái toàn bộ vốn góp tại SAM Nông nghiệp Công nghệ cao.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính quý 1/2024, SAM góp vốn 72 tỷ đồng vào SAM Nông nghiệp Công nghệ cao, tỷ lệ 72%.

Tại cuối quý I, Công ty đang góp hơn 2,8 ngàn tỷ đồng vào 6 công ty con là Sacom - Tuyền Lâm, Dây và Cáp Sacom, Địa ốc Sacom, Sacom - Chíp Sáng, SAM Nông nghiệp Công nghệ cao và Capella Quảng Nam.

Ngoài ra, Công ty cũng có hơn 2,1 ngàn tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác.

Công ty đang ghi nhận dự phòng đầu tư gần 322 tỷ đồng.

 =Về kết quả kinh doanh, quý 1/2024, SAM đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 623 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 28 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quý 1 năm trước.

Masan tiết lộ thời điểm IPO Masan Consumer Corp

Chia sẻ tại hội thảo "Masan: Bước chuyển mình của doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ”, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan cho biết Tập đoàn đang nghiên cứu IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Corp) trong thời gian tới, bởi 4 nguyên nhân chính.

Masan đang nghiên cứu kế hoạch IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan. (Masan Consumer Corp)

Đầu tiên là việc muốn xác định giá trị thực của Masan Consumer Corp và Masan. Do Masan Consumer Corp đang được giao dịch trên sàn UPCoM, thanh khoản hàng ngày rất ít, do đó giá trị thực khó xác định.

Thị trường cũng hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn, như Fed dự kiến hạ lãi suất trong quý IV/2024 hay câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025, nên đây là thời điểm tốt để IPO.

Cũng theo ông Nam Anh, cổ phiếu có giá trị là một công cụ cho chiến lược M&A, ngoài ra còn tạo động lực cho ban lãnh đạo và nhân viên MCH.

“Khi IPO phải đánh giá mức độ sẵn sàng của Công ty về tài chính, quản trị, con người. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến sự sẵn sàng của thị trường mà Công ty IPO. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội có thể IPO Masan Consumer Corp trong năm 2025”, ông Nam Anh cho biết.

Để đảm bảo tiến độ IPO Masan Consumer Corp, kế hoạch sáp nhập Masan Consumer Corp vào Công ty TNHH Masan Consumer Holdings có từ năm 2023 cũng sẽ tạm không triển khai. Cho tầm nhìn xa hơn, khi WinCommerce sẵn sàng sẽ được cân nhắc IPO, thậm chí là The CrownX – Công ty đang sở hữu cả Masan Consumer Corp và WinCommerce.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Masan, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group đã tiết lộ thông tin trong năm nay, Masan sẽ cân nhắc IPO Masan Consumer trong rất nhiều các lựa chọn khác bao gồm cả huy động vốn.

Đến cuộc gặp với các nhà đầu tư vào đầu tháng 5, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Masan Consumer tiếp tục khẳng định với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 - 7 năm qua của Masan Consumer thì đã đến lúc phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng.

Liên quan đến thông tin SK Group hạ sở hữu tại Masan, ông Nam Anh cho biết MSN và SK Group là những đối tác dài hạn và sẽ cùng nhau suy nghĩ về lộ trình giảm sở hữu, theo những giao dịch thỏa thuận. Đã có những quỹ đầu tư, nhà đầu tư am hiểu MSN sẵn sàng mua lại”, ông Nam Anh chia sẻ.

Dệt may Thành Công khai tử xưởng may 5 triệu sản phẩm ở Tây Ninh

Trong bối cảnh đơn hàng hồi phục và hoàn thành xong thương vụ M&A chiến lược, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) chính thức "khai tử" nhà máy may quy mô 1 ha tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh. Nguyên nhân do năng suất hoạt động không hiệu quả.

Dệt may Thành Công nhận chuyển nhượng dự án Xưởng may Trảng Bàng tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh của Công ty TNHH E.Land Việt Nam từ năm 2018.

Trước đó, vào tháng 4/2024, TCM  thông báo tạm ngưng hoạt động Xưởng may Trảng Bàng trong 12 tháng.

Dệt may Thành Công nhận chuyển nhượng dự án Xưởng may Trảng Bàng tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh của Công ty TNHH E.Land Việt Nam từ năm 2018, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và gia tăng năng lực sản phẩm may. Thời điểm đi vào hoạt động, nhà máy có 650 công nhân và 17 chuyền đang sản xuất; sau đó được mở rộng sản xuất tới 27 chuyền, khoảng 1,050 lao động, công suất khoảng 5 triệu sản phẩm/năm.

“Nhà máy may tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh (quy mô 1ha) có năng suất hoạt động không hiệu quả”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM phân trần và cho biết việc chuyển nhượng nhằm cơ cấu lại danh mục nhà máy, tận dụng nguồn vốn phục vụ M&A với Công ty TNHH Dệt may SY Vina.

TCM quyết định mua lại nhà máy SY Vina nhằm mục đích chính lấy giấy phép ngành nhuộm cũng như mở rộng các dòng sản phẩm vải dệt để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao. Đây cũng là giải pháp tối ưu hóa bài toán đầu tư của Công ty trong dài hạn.

Về tình hình kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2024, TCM đạt doanh thu hơn 64 triệu USD (1.630 tỷ đồng) và lãi sau thuế hơn 4,7 triệu USD (120 tỷ đồng), lần lượt tăng 112% và 110% so với cùng kỳ; thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận năm.

Kết quả kinh doanh của TCM phục hồi theo xu hướng thị trường và ngành dệt may đang đón những tín hiệu tích cực. Hiện, Công ty đã nhận được khoảng 88% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý II/2024 và khoảng 83% cho quý III/2024.

Vietnam Airlines bắt tay cùng Vinpearl tung combo du lịch hấp dẫn 

Vietnam Airlines hợp tác cùng Vinpearl triển khai loạt ưu đãi vé máy bay và phòng khách sạn lên tới 50% cho khách hàng bay chuyến bay khởi hành, trong khung giờ từ sau 21h đến trước 5h, tới các điểm đến có khách sạn Vinpearl.

Khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi khi bay tối muộn cùng Vietnam Airlines và Vinpearl.

Đây là chuỗi chương trình thiết thực nhằm kích cầu du lịch nội địa trong mùa hè năm nay, khẳng định cam kết của Vietnam Airlines hợp tác với các tỉnh thành, đối tác trên toàn quốc, mang đến những trải nghiệm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu đa dạng của hành khách.

Chương trình đáng chú ý là "Combo bay đêm giá hời, nghỉ hè tuyệt vời". Theo đó, khách hàng sẽ được tận hưởng trọn gói chuyến bay khứ hồi Vietnam Airlines và 2 hoặc 3 đêm nghỉ tại phòng khách sạn Vinpearl bao gồm bữa sáng với mức giá chỉ từ 3 triệu đồng/người. Khách hàng có thể mua combo (gói) trên website Vinpearl từ hôm nay.

Khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi khi bay tối muộn cùng Vietnam Airlines và Vinpearl.

Đối với khách hàng Vietnam Airlines đặt phòng lẻ, các bên đã phối hợp triển khai chương trình "Ưu đãi cho khách đặt phòng lẻ". Khách hàng nhập mã VNAVP30 để nhận ưu đãi 30% giá phòng trên website Vinpearl.com và ứng dụng MyVinpearl.

Ngoài ưu đãi mức giá, các chương trình còn kèm theo những khuyến mãi khác về dịch vụ ẩm thực, spa, golf… tại một số khách sạn của Vinpearl.

Khi nhận phòng khách sạn, khách hàng cần xuất trình giấy tờ tùy thân và thẻ lên máy bay. Thẻ lên máy bay cần mang thông tin của khách hàng nhận phòng, điểm đến có khách sạn Vinpearl, có thời gian khởi hành chuyến bay trong khung giờ từ sau 21h đến trước 5h. Ngày bay trên thẻ lên tàu bay là ngày nhận phòng hoặc trước ngày nhận phòng 1 ngày.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines và Vinpearl cũng đang triển khai chương trình "Ưu đãi đặc quyền dành riêng cho khách hàng Vietnam Airlines". Khách hàng nhập mã VNAVP20 để nhận ngay ưu đãi 20% giá phòng trên website Vinpearl.com và ứng dụng MyVinpearl.

So với chương trình "Ưu đãi cho khách đặt phòng lẻ", chương trình này có thời gian áp dụng dài hơn, không yêu cầu khách hàng bay chuyến bay tối muộn, sáng sớm và không yêu cầu khách hàng lưu trú tối thiểu 2 đêm trở lên.

Ngoài ra, khách hàng Vietnam Airlines còn có thể vui chơi không giới hạn tại hơn 10 cơ sở công viên, khu vui chơi, khu tắm bùn... do VinWonders quản lý và nhận ưu đãi lên đến 20%, mức giảm giá tốt nhất tại website VinWonders.

Tin liên quan
Tin khác