Thời sự
PCI giảm 4 bậc, Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp để tìm giải pháp
Khánh An - 24/06/2022 11:51
Sáng nay, 24/6, gần 5.000 người đã tham gia Hội nghị Phân tích chỉ số PCI năm 2021 và các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022 tỉnh Bắc Giang.
Hội nghị Phân tích chỉ số PCI năm 2021 và các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022 của Bắc Giang sáng 24/6

Mục tiêu 25/63 tại PCI 2022

 “Chúng ta quyết tâm nâng thứ hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, tối thiểu đạt 25/63 tỉnh, thành phố”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã nhắc đến thứ hạng mục tiêu này ngay phần đầu bài phát biểu khai mạc Hội nghị Phân tích chỉ số PCI năm 2021 và các giải pháp nâng cao chỉ số năm 2022 tỉnh Bắc Giang.

So với thứ hạng 31/63 tại PCI năm 2021, công việc khá nặng nề.

Vì so với PCI 2020, dù Bắc Giang có sự tăng điểm, nhưng đã giảm 4 bậc thứ hạng. Trong số các chỉ số thành phần trong PCI 2021, chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chi phí thời gian có mức giảm điểm nhiều nhất.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng của Bắc Giang đang ở thứ hạng 33/63. Chi phí thời gian đứng thứ 46/63, giảm tới 41 bậc so với lần công bố trước.

Mục tiêu này ngay lập tức đã đến được với gần 5.000 người đang tham gia Hội nghị.

Đáng nói là những người tham gia không chỉ là các lãnh đạo các sở, ban, ngành mà còn là cán bộ trực tại bộ phận một cửa trong các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp tục và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngoài điểm cầu chính là Trung tâm hội nghỉ tỉnh Bắc Giang, với sự tham gia của 300 đại biểu trực tiếp, Hội nghị có 10 điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố và 190 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra còn có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang được mời tham dự. 

 “Hội nghị được tổ chức trực tuyến 3 cấp tỉnh huyện xã, để cùng trao đổi, phân tích làm rõ các chỉ tiêu thành phần của PCI, để có chuyển biến sâu sắc trong cả nhận thức và hành động và để giải quyết tận gốc cá điểm nghẽn”,  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm rõ mục tiêu của Hội nghị được coi là lớn nhất, với sự tham gia của toàn thể bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh tới câp thôn/tổ dân phố cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang.

Đặc biệt, ông nhắc đến sự tham gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bắc Ninh trong Hội nghị, với đầu bài đã đặt là phân tích các nguyên nhân tụt điểm và khuyến nghị cải thiện.

“Chúng tôi mong muốn được nghe các khuyến nghị và cách làm hay từ các địa phương khác”, ông nói với sự cầu thị.

Không gian cải cách lớn, nhưng phụ thuộc vào các hành động thay đổi 

“Bắc Giang đang nổi lên như một ngôi sao, chúng tôi ở Bắc Ninh vẫn nói với nhau phải sang Bắc Giang học tập”, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ thẳng thắn tại Hội nghị.

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được phê duyệt quy hoạch tổng thể tỉnh, đặt ra mục tiêu có tính khát vọng cao. Không gian phát triển rộng lớn, với 27 khu công nghiệp, 13 sân golf...

Thậm chí, ông Bắc cho rằng, Bắc Giang không còn phù hợp với sự có mặt ở trong các tỉnh miền núi phía Bắc, mà phải vào hàng các địa phương kinh tế trọng điểm phía Bắc, với sự phát triển cụm ngành điện tử, đô thị...

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI phân tích các chỉ số thành phần PCI năm 2021 của Bắc Giang

Đây cũng là ý mà ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI nói, nếu so với 14 tỉnh miền núi phía Bắc, thì PCI của Bắc Giang khá cao, đứng thứ 5. Đó là chưa kể những hấp dẫn của Bắc Giang trong con mắt các nhà đầu tư do vị trí thuận lợi, hạ tầng đang được cải thiện nhanh.

“Nhưng Bắc Giang phải đặt mình trong so sánh với các trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng, so với Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... Đó là cách để nhìn thấy không gian cải thiện về môi trường kinh doanh rất lớn”, ông Tuấn nói.

Với góc nhìn này, những nút thắt của môi trường kinh doanh Bắc Giang được các chuyên gia của VCCI và Bắc Ninh chỉ ra là đang nằm ở cấp cơ sở, thực thi.

Có thể thấy rõ từ các kết quả khảo sát doanh nghiệp, như 19% doanh nghiệp tại Bắc Giang phàn nàn về sự trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký xếp thứ 56/63 ...

Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn nhắc đến tỷ lệ doanh nghiệp kêu ca về sự ưu ái doanh nghiệp lớn, có liên kết chặt chẽ với chính quyền.

“Khảo sát PCI là khảo sát chọn mẫu, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên có thể doanh nghiệp khi trả lời chưa đủ thông tin về các hành động của chính quyền địa phương, nhưng đó là cảm nhận thực tế của doanh nghiệp. Chúng tôi muốn gửi tới chính quyền địa phương những cảm nhận thực tế này và cả bối cảnh cải cách chung của các địa phương trong cả nước”, ông Tuấn nói.

Về góc độ này, ông Nguyễn Phương Bắc chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Ninh, với mô hình "Bệnh viện doanh nghiệp". Theo đó, các doanh nghiệp có bất cứ khó khăn gì, có thể nhắn tin tới "bệnh viện" qua zalo hoặc fanpage, sẽ nhận được phản hồi.

"Để cán bộ nhà nước nhận và trả lời tin nhắn của doanh nghiệp, thay vì đòi hỏi công văn theo thủ tục, trình tự hành chính không dễ. Nhưng Bắc Ninh làm được thì Bắc Giang chắc cũng sẽ làm được", ông Bắc thẳng thắn.

Điều quan trọng, theo ông Bắc, thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp là chìa khóa để giảm khoảng cách mà ông cho là khá lớn giữa quyết tâm của lãnh đạo Bắc Giang vào các cấp thực thi.

Tin liên quan
Tin khác