Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm thẻ xanh Covid |
“Bình ô xy” giúp doanh nghiệp thở
Đợt Covid-19 lần thứ tư kéo dài gần 5 tháng khiến ngành kinh tế xanh đóng băng, quay về mốc vài chục năm trước. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không vốn đã rơi vào khủng hoảng chưa từng có trở nên kiệt sức.
Thông tin sơ bộ về những thiệt hại do Covid-19 gây ra, ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, trước khi Covid-19 xuất hiện, trung bình hàng không đón 100.000 lượt khách/ngày, nhưng trong thời gian gần đây, một ngày chỉ phục vụ chưa đến 100 người, bằng 0,1% so với trước.
Ông Trần Đạo Đức, Tổng giám đốc Khách sạn Novotel Phú Quốc
“Lượng khách giảm mạnh trong khi lực lượng nhân viên hàng không, sân bay, quản lý bay vẫn phải duy trì, bởi đây là những nhân sự chất lượng cao, không thể đào tạo trong ngày một, ngày hai, nên các doanh nghiệp phải trả chi phí để nhân lực làm luân phiên. Như vậy, chi phí cố định không thay đổi, trong khi doanh thu vận chuyển gần như bằng 0, đây là khó khăn rất lớn đối với ngành hàng không”, ông Quang cho hay.
Dưới góc độ doanh nghiệp lưu trú, ông Trần Đạo Đức, Tổng giám đốc Khách sạn Novotel Phú Quốc cho biết, Novotel Phú Quốc hiện chỉ phục vụ khách tại chỗ để duy trì hoạt động và giữ chân nhân viên, chuẩn bị cho thời điểm khách quay trở lại. Hàng tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn để duy trì hoạt động, nếu cứ kéo dài, khách sạn không thể cầm cự mà buộc phải đóng cửa.
Tương tự, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group than thở, 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp gần như không có bất cứ khoản thu nào, trong khi vẫn phải chi trả chi phí nhân sự, nghiên cứu thị trường, bảo dưỡng du thuyền, xe Limousine cao cấp… dẫn đến nguồn lực kiệt quệ. Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không cho rằng, việc áp dụng thẻ xanh Covid, hộ chiếu vắc-xin chính là “bình oxy”, giúp doanh nghiệp thở được trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.
Chính phủ bắt đầu cho phép thí điểm Quảng Ninh, Phú Quốc được đón khách có "hộ chiếu vắc-xin". Nhiều điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… đang dần kiểm soát tốt dịch bệnh, độ phủ vắc-xin ngừa Covid-19 được mở rộng.
Ưu tiên thị trường nội địa
Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy bày tỏ, với Phú Quốc, việc thí điểm thẻ xanh Covid là tín hiệu rất mừng. Phú Quốc hiện là vùng xanh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi, danh lam thắng cảnh đều đã được hoàn thiện, đặc biệt cả quy trình xuất nhập cảnh, đảm bảo y tế. Vấn đề lớn nhất của Phú Quốc hiện nay là độ phủ vắc-xin mới đạt hơn 30%.
Cùng với việc phải nhanh chóng tiêm vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng cho Phú Quốc, ông Murali Viswanathan, Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon cho rằng, để chương trình hộ chiếu vắc-xin có thể diễn ra hiệu quả, cần có sự thống nhất toàn diện các quy định.
“Hiện có rất nhiều app khác nhau, nên cần có một app thống nhất sử dụng cho cả khách quốc tế và trong nước”, ông Murali Viswanathan nói.
Theo ông Murali Viswanathan, gần đây Chính phủ Việt Nam có những trao đổi song phương hoặc đa phương với một số quốc gia khu vực xung quanh. Trước đây vấn đề hộ chiếu du lịch cũng đã được đề cập, theo đó những khách du lịch ở một số quốc gia đã thuộc vùng xanh, có nghĩa là có chứng nhận tiêm vắc-xin, có xét nghiệm PCR âm tính, thì họ sẽ tự động được chứng nhận đi du lịch trực tiếp đến quốc gia muốn đến, không phải trải qua nhiều vòng thủ tục. Đây cũng là một cách để kích cầu và làm cho việc đi lại dễ dàng hơn.
Mặt khác, ông Murali Viswanathan lưu ý việc triển khai hộ chiếu vắc-xin, thẻ xanh Covid cần có những giải pháp mang tính dài hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng làm một vài tháng đã thay đổi. “Việt Nam có thể học hỏi cách làm hay của Thái Lan. Đơn cử, tại Bangkok, Chính phủ chứng nhận về an toàn cho các khách sạn, địa điểm đạt chuẩn an toàn, đem đến sự tự tin, cảm giác an toàn cho du khách”, Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon góp ý.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Hà cho rằng, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin đối với khách quốc tế hay thẻ xanh Covid với khách nội địa không thể kỳ vọng làn sóng ồ ạt như đợt hè 2020. Khách quốc tế thường đi du lịch từ tháng 10 đến tháng 5 hàng năm để tránh rét. Họ thường lên kế hoạch trước ít nhất vài tháng, nếu không có lộ trình rõ ràng, truyền thông quốc tế chính xác, chúng ta sẽ lỡ cơ hội.
“Mặt khác, khách nước ngoài cũng chia sẻ là nếu sang Việt Nam mà phải ở một khách sạn 7 ngày và không được tham gia các hoạt động thì họ sẽ không sang. Trước đây, khách châu Âu thường đi tour từ Bắc vào Nam, sau đó họ có thể nghỉ một vài ngày tại Phú Quốc hay Mũi Né, Vũng Tàu... trước khi về nước. Nếu giờ đến Việt Nam, họ chỉ được ở Phú Quốc mà không được khám phá nơi khác thì họ cũng không đi du lịch Việt Nam”, ông Hà chia sẻ.
Các doanh nghiệp cho rằng, du khách nội địa vẫn là “bình thở” cho ngành du lịch trong giai đoạn đầu vì nhu cầu rất lớn và có thể triển khai lập tức. Ưu tiên, tập trung cho thị trường nội địa, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không có cơ hội đánh nhanh, đồng thời chuẩn bị tốt hơn để đón khách quốc tế ở các giai đoạn tiếp theo.