Nhiều nước trên thế giới xem bán khống là giao dịch chính thức trên thị trường tài chính quốc gia. Việt Nam cũng có quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm, nhưng chưa thật sự đầy đủ.
Chính vì vậy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xây dựng và hoàn thiện chính sách đối với giao dịch bán khống.
Hiện quy định pháp luật về bán khống tại Việt Nam chưa đầy đủ, dễ dẫn đến rủi ro |
Bài 3: Hoàn thiện cơ chế bán khống tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam công nhận bán khống là một phương thức giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, những quy định hiện hành chưa đầy đủ để thúc đẩy giao dịch bán khống trên thị trường và giúp tránh rủi ro trong hành trình phát triển lâu dài.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam về bán khống
Các quốc gia châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng đều đã thiết lập những quy định về bán khống, nhưng việc thực thi giao dịch bán khống ở mỗi nước có sự khác nhau trong phương thức và thời gian triển khai. Tại khu vực Đông Nam Á, 6/10 quốc gia có quy định pháp luật liên quan đến bán khống (trừ Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei).
Với quá trình hội nhập kinh tế - xã hội sâu rộng ở phạm vi toàn cầu, nhu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế bán khống ở nước ta nên được xem xét trong thời gian tới.
Trước khi quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm được thông qua, trên thị trường một số giao dịch của các nhà đầu tư “mô phỏng” phương thức bán khống. Thông qua những thỏa thuận cá nhân trong việc thực hiện vay mượn giữa các nhà đầu tư với nhau, còn được gọi là bán nhờ trên tài khoản người khác, những giao dịch có thể được thực hiện trực tiếp trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, phương thức này dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên và tồn tại nhiều rủi ro trong giao dịch nên không thật sự phổ biến.
Về mặt pháp lý, thỏa thuận bán khống giữa các bên trong giao dịch như trên không có giá trị pháp lý. Mặc dù đã có cảnh báo từ các cơ quan chức năng nhưng những trường hợp giao dịch bán khống bất động sản, nhà ở vẫn diễn ra. Người bán khống và người môi giới bị khởi tố trách nhiệm hình sự, còn người mua do không tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin nên không hiếm trường hợp “tiền mất tật mang”.
Thông tư 120/2020/TT-BTC (Thông tư 120) ngày 31/12/2020 ra đời, thay thế Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thông tư 120 đã bổ sung khái niệm giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm tại khoản 11, Điều 2, đặt dấu mốc đầu tiên trong việc công nhận bán khống là hoạt động giao dịch chính thức tại Việt Nam.
Theo đó, giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm là giao dịch bán chứng khoán đã được vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay. Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 11, Thông tư 120, thì cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán là những loại chứng khoán được phép giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm.
Về hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện giao dịch bán không có bảo đảm, các thông tin tối thiểu cần có trong hợp đồng bao gồm: nội dung về tài sản bảo đảm; lãi suất vay; thời hạn vay; gia hạn vay; xử lý tài sản bảo đảm khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán; phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh; nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.
Công ty chứng khoán có trách nhiệm mở tài khoản giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm cho nhà đầu tư. Đối với tài khoản giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm, công ty chứng khoán phải tách riêng với tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường, hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư. Cùng với đó, các giao dịch liên quan đến bán khống cũng phải được hạch toán tách biệt với các tài khoản khác (tài khoản ký quỹ, tài khoản giao dịch trong ngày và tài khoản chứng khoán thông thường) của từng nhà đầu tư.
Để đảm bảo thực hiện quyền cho cổ đông gắn với mã chứng khoán được giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm, hoạt động bán khống có tài sản bảo đảm sẽ không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc trước ngày đăng ký cuối cùng. Bên cạnh đó, cũng như nhiều quốc gia khác, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước có thể yêu cầu các công ty chứng khoán tạm ngừng thực hiện hoạt động giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm.
Một số khuyến nghị
Một là, xây dựng khung pháp lý toàn diện cho sản phẩm bán khống trên thị trường. Trong đó làm rõ về định nghĩa bán khống, quy định nguyên tắc cơ bản, các thủ tục liên quan và giới hạn cần thiết trong giao dịch bán khống. Bên cạnh đó, thiết lập những chính sách trong việc bảo đảm trình độ và đạo đức hành nghề đối với tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới và tư vấn giao dịch bán khống.
Học tập kinh nghiệm của các quốc gia về bán khống trên thị trường chứng khoán, Việt Nam cần quy định cụ thể trong quy chế hướng dẫn giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm các nội dung sau: mức ngưỡng giá bán khống; cấm hành vi giao dịch bán khống không có tài sản bảo đảm; phát triển hệ thống thông báo công khai các vị thế bán khống; mở rộng phạm vi của các quy định đối với hệ thống tự doanh chứng khoán trên thị trường.
Hai là, xây dựng và ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm. Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán nhà nước quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí đối với chứng khoán được phép giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm trong nội dung tại khoản 3, Điều 11, Thông tư 120, bao gồm: thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác. Do đó, gián tiếp làm ngưng trệ hoạt động bán khống có tài sản bảo đảm. Để triển khai phương thức bán khống trên thị trường chứng khoán, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần hoàn thiện các tiêu chí thực hiện trong văn bản hướng dẫn.
Ba là, khuyến khích sản phẩm bán khống trên thị trường tài chính. Bán khống vừa hỗ trợ tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, vừa giúp ổn định và hài hòa rủi ro trong giao dịch thị trường, góp phần đa dạng danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các giao dịch bán khống cần được thực hiện thông qua công ty chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Ngoài việc cho phép nhà đầu tư giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm trên thị trường chứng khoán, tại Việt Nam hiện nay, giao dịch bất động sản và nhà ở cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng về nâng cao tính minh bạch trong việc công khai trên sàn giao dịch. Nếu bán khống được triển khai trên cơ sở nền tảng pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần gia tăng thanh khoản và thị trường sẽ sôi động hơn trên sàn giao dịch.
Bốn là, nâng cao vai trò của các quỹ bảo vệ thị trường chứng khoán trong hoạt động giao dịch bán khống khi xảy ra những biến cố không mong muốn. Rủi ro luôn tồn tại khi giao dịch bán khống được thực hiện, mà hệ quả sau này có sức ảnh hưởng to lớn nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời. Vai trò và trách nhiệm của quỹ bảo vệ thị trường chứng khoán là hạn chế tác động của những giao dịch bán khống, cân bằng thị trường trên cơ sở tự do và công bằng trong kinh doanh giao dịch.
Tại Trung Quốc, bán khống được cho phép từ tháng 3/2010. Giao dịch bán khống được tiến hành theo 2 phương thức: bán khống thông thường và bán khống tái cấp vốn.
Đối với bán khống thông thường, các nhà đầu tư dự báo sự giảm giá của cổ phiếu, họ sẽ mượn cổ phiếu, bán và mua lại với giá thấp hơn sau đó. Các công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch bán khống sẽ sử dụng vốn của mình để mua lại những cổ phiếu đó trên thị trường và cho khách hàng vay dựa trên thỏa thuận hợp đồng giao dịch bán khống.
Đối với bán khống tái cấp vốn, các công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới được phép thực hiện bán khống sẽ tìm kiếm và liên lạc với các nhà đầu tư tổ chức để được cung cấp cổ phiếu và tiến hành cho khách hàng vay. Ở đây, công ty chứng khoán hoạt động như một trung gian giữa người bán khống (khách hàng) và tổ chức cung cấp cổ phiếu (bên cho vay), công ty chứng khoán có trách nhiệm tính phí dịch vụ cho việc tái cấp vốn.
Theo quy định trong hướng dẫn bán khống của Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC), mọi giao dịch bán khống trên thị trường đều phải báo cáo với cơ quan trung ương là Công ty TNHH Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) để ghi nhận thông tin vị thế giao dịch của mỗi bên, kèm theo đó là các khoản phí được tính và các điều khoản hợp đồng đã thỏa thuận.
Quy định bán khống tại Hàn Quốc
Tại thị trường Hàn Quốc, các tổ chức tài chính được yêu cầu tuân thủ quy tắc tăng giá bán khống. Theo đó, việc bán khống cổ phiếu chỉ có thể được thực hiện ở mức giá cao hơn so với giao dịch cuối cùng của cổ phiếu. Điều này mang lại cho giá cổ phiếu một mức độ bảo vệ nhất định trước áp lực làm giá trên thị trường. Nhà đầu tư có giao dịch bán khống có trách nhiệm trả lãi cho những cổ phiếu đã vay và đảm bảo duy trì các yêu cầu về ký quỹ trong suốt thời gian nắm giữ cổ phiếu.
Hành vi bán khống cổ phiếu của nhà đầu tư tại Hàn Quốc khi không thực hiện ký quỹ hay không có tài sản bảo đảm sẽ bị xem là vi phạm theo Đạo luật thị trường vốn. Trên thực tế, gần đây, vào ngày 8/3/2023, Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) của Hàn Quốc đã phạt lần lượt 2,18 tỷ won (tương đương 1,65 triệu USD) và 3,87 tỷ won (tương đương 2,93 triệu USD) với 2 công ty có hành vi giao dịch bán khống bất hợp pháp khi không có tài sản bảo đảm (bán khống trần trụi).