Thời sự
“Phát súng lệnh” mở đầu hành trình củng cố niềm tin
Hà Nguyễn - 02/09/2016 15:05
Ngay từ thuở lập nước hơn 70 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã coi chủ nghĩa cá nhân, trong đó tư lợi, tham ô, lãng phí, là một trong ba kẻ địch của cách mạng.

Tư tưởng ấy của Người như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm kim chỉ nam cho việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Giờ đây, tư tưởng ấy một lần nữa tỏa sáng sau “phát súng lệnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, “làm sạch” đội ngũ cán bộ.

Từ “phát súng lệnh” của Tổng Bí thư

Những góc khuất đằng sau vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vẫn đang tiếp tục được làm rõ, từ chuyện ai phải chịu trách nhiệm trong việc khiến Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) thua lỗ trên 3.200 tỷ đồng, đến việc có vấn đề tiêu cực hay không trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Và không chỉ riêng vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, mà chuyện bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương cũng đang được chỉ đạo làm rõ.

Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã dứt khoát yêu cầu phải làm rõ vụ chuyển đổi từ xe biển trắng sang biển xanh cùng quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Dư luận hồ hởi với chỉ đạo này, bởi vấn nạn tham nhũng, lãng phí, chuyện chạy chức chạy quyền, chuyện tha hóa đạo đức trong Đảng, trong một bộ phận lãnh đạo… bao lâu nay đã khiến dư luận bức xúc, thậm chí làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mà mất niềm tin là mất tất cả.

Niềm tin của người dân sẽ tăng khi Chính phủ nhất quán quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, hết lòng vì nhân dân, Ảnh: Đức Thanh

Bởi thế, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói, như một “phát súng lệnh” cho cuộc chiến chống tham nhũng nói riêng, cho việc đưa Nghị quyết Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó có công tác cán bộ vào thực tiễn. Và chỉ đạo ấy dường như một lần nữa thắp sáng tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà ngay từ thuở lập nước hơn 70 năm về trước, Người đã chỉ rõ.

Chuyện kể rằng, trong một bài viết về “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân (trong đó tư lợi, tham ô, lãng phí - rất nguy hại) chính là một trong ba kẻ địch nguy hiểm của cách mạng (kẻ địch nguy hiểm thứ nhất là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to; còn chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch thứ ba). Người cũng đã chỉ rõ, những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Rằng tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám…

Và cho tới tận bây giờ, chuyện Bác Hồ “xử” Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu vì ăn chặn của bộ đội trong lúc đời sống của bộ đội kháng chiến chống Pháp đang thiếu thốn trăm bề, vẫn là một bài học không thể nào quên trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Khi ấy, được hỏi ý kiến về án tử hình đối với Trần Dụ Châu, Bác đã trả lời: “Gỗ đã mục rồi, không dùng được nữa, còn tiếc gì mà để”. Bác bảo, một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm. Và rằng, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo.

Người đã luôn nhắc tới 5 chữ “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” để nói về đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Và trong Di chúc, Bác lại lần nữa để lại lời tâm huyết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, trong một chỉ đạo gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây là vấn đề nhức nhối, xã hội chưa yên tâm… Nhưng khó mấy cũng phải làm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và từng thành viên “phải nỗ lực, quyết liệt, làm hết chức trách để thực hiện cho được nhiệm vụ này, đáp ứng sự trông đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Tới bài học trong công tác lựa chọn cán bộ

Tham nhũng suy cho cùng cũng từ chủ nghĩa cá nhân, từ con người mà ra. Bởi thế, chống tham nhũng phải bắt đầu từ con người, từ công tác cán bộ.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại “chuyện muôn thuở” trong lựa chọn cán bộ, đó là tài và đức, hai điều kiện tiên quyết. “Người lãnh đạo cấp cao mà không có đức thì không xứng đáng, không nhận được sự tin yêu của dân. Nhưng đồng thời cũng phải có tài, có tư duy mới, có tầm nhìn xa trông rộng, phải nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được tri thức nhân loại, đồng thời là người có hành động quyết đoán, dám đi tới cùng”, ông Vũ Mão đã nói như vậy và cũng nhắc rất nhiều tới chữ “Liêm” mà Bác Hồ đã từng nói.

“Liêm”, theo ông Vũ Mão, hiểu một cách mộc mạc chính là liêm khiết, liêm chính, trong sáng. Mỗi con người ai cũng cần phải có chữ “Liêm”. Làm cán bộ, có chức có quyền càng cần phải trong sáng, mẫu mực, không tham lam. Nói “tham nhũng là quốc nạn”, nhưng người lãnh đạo mà dính tới quốc nạn thì có xứng đáng không?

Như ông cha ta vẫn nói, lòng tham con người là vô đáy. Quan chức cũng là con người. Thậm chí, càng ở chức vụ cao, người ta càng dễ có cơ hội tham nhũng. Bởi thế, chống tham nhũng chẳng hề đơn giản. Chọn người lãnh đạo lại càng không dễ. Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh càng cho thấy điều đó. Dù vẫn có những khẳng định về chuyện “bổ nhiệm đúng quy trình”, nhưng rõ ràng, có chuyện lợi ích nhóm, có những lỗ hổng trong bổ nhiệm cán bộ ở đây. Chỉ có như thế, người ta mới có thể đưa một người yếu kém về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; yếu kém về năng lực chuyên môn lọt qua các công đoạn của quy trình công tác cán bộ và thăng tiến như vậy.

Đau lòng ở chỗ, như GS. Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nói, hiện nay không chỉ mình ông Thanh, mà có hàng trăm, hàng nghìn nhân vật như vậy, nhưng chúng ta chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện rồi, mà chưa xử lý được.

Lâu nay, dư luận đã luôn bức xúc với chuyện chạy chức chạy quyền và điều đó là có thật. Đến nỗi, khi mỗi cán bộ được bổ nhiệm, người ta sẽ hỏi, đó là con ai, cháu ai. Đến nỗi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã phải thẳng thắn rằng, phải “chọn người tài, chứ không phải là chọn người nhà”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, công tác cán bộ là một trong những công tác trọng tâm mà ngay từ thời lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm. Người đã nhiều lần chỉ rõ, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, do vậy phải cân nhắc và khéo dùng cán bộ. Dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi nếu không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến lãng phí nhân tài - sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Và rằng, cất nhắc cán bộ phải vì công tác tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, chứ nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, thì nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng, thì như thế là “có tội với Ðảng, có tội với đồng bào”.

Người cũng đã từng nhấn mạnh rằng, “cán bộ là gốc của mọi việc”. Nếu không làm tốt việc gốc, thì các việc cành, việc ngọn cũng sẽ không tốt, không bền vững. Trong lịch sử của dân tộc, đặc biệt là những triều đại thịnh trị, thì người hiền tài cũng rất được trọng dụng. Bởi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì quốc gia thịnh. Và ngược lại.

Vì thế, trọng hiền tài là điểm mấu chốt khi lựa chọn cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc Đổi mới, đưa đất nước ngày càng phát triển, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, thì công tác cán bộ càng cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Sẽ là có tội với Đảng, có tội với đồng bào nếu tiếp tục để công tác cán bộ thiếu minh bạch, thậm chí là có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”.

Và câu chuyện niềm tin

Có một thực tế mà Đảng đã phải thừa nhận, đó là có chuyện phai nhạt niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Phai nhạt là dễ hiểu khi thực sự có chuyện văn hóa suy đồi, chuyện một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, nạn tham ô, hối lộ gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Nhưng niềm tin đang dần được gây dựng lại, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổ “phát súng lệnh” chống tham nhũng, khi Chính phủ nhất quán quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, một bộ máy phục vụ, hết lòng vì nhân dân.

Suốt chiều dài hơn 70 năm kể từ ngày Độc lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến thành công, thực hiện một cách toàn diện công cuộc Đổi mới để đưa đất nước phát triển như hôm nay. Bài học kinh nghiệm của hơn 7 thập kỷ dựng xây đất nước đã chỉ ra rằng, trước đây, Đảng lãnh đạo tốt thì ta kháng chiến thành công, bây giờ nếu Đảng lãnh đạo tốt thì đất nước tiến lên, phát triển.

Dù niềm tin vào Đảng có sứt mẻ, nhưng nếu biết dùng dân để rèn Đảng và Đảng biết nghe dân, thấu hiểu lòng dân, làm theo dân thì sẽ lấy được lòng tin của dân. Có được niềm tin của dân, có được sự đồng lòng nhất trí của dân, và có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những cá nhân lãnh đạo chủ chốt biết trăn trở trước sự tụt hậu của đất nước để quyết tâm Đổi mới ở tầm cao hơn, đất nước Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Tin liên quan
Tin khác