Đầu tư Phát triển bền vững
Phát triển các KCN sinh thái - Một trong những giải pháp giảm phát thải về 0
Thu Lê - 18/06/2022 07:34
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0, việc phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chính các KCN này là 1 trong những giải pháp quan trọng.

Đây là 1 trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0” do Tạp chí Mekong ASEAN, cơ quan của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt nam – ASEAN tổ chức chiều ngày 17/6.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Thực hiện cam kết này và cũng là thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp (KCN) sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay Việt Nam có gần 400 KCN và KKT và đang đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT đạt khoảng 12 tỷ USD - chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Nhưng sự phát triển nhanh chóng của các KCN trong thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại tăng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh”, bà Hiếu nhấn mạnh.

Mặt khác, chính sự liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp trong KCN làm giảm sức cạnh tranh của chính các KCN. Do đó, cần thiết phải Chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn. Cần phải có sự kết nối các KCN với nhau để sử dụng tối ưu nhất các nguồn tài nguyên hiện có, tái sử dụng lại các nguyên liệu, giảm áp lực lên môi trường.

Theo quan niệm của UNIDO thì KCN sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên. Còn các KCN sinh thái cũng phải là nơi xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh trong KCN – đây cũng là cấp trung gian trong sự phân cấp của kinh tế tuần hoàn theo phân tích của ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Ông Toản cho biết thêm, hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch sẽ chỉ ra từng danh mục nào sẽ được áp dụng thí điểm trong đó có các thứ tự ưu tiên để kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đóng góp thêm ý kiến để xây dựng thành công một KCN sinh thái, Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ cho rằng: “Nhắc đến khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó bởi bài toán kinh tế”. Cụ thể, theo ông Sỹ, làm mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỉ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.

"Để phát triển khu công nghiệp sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng, đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Để làm được, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng, như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70-80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn", ông Mai Văn Sỹ phân tích.

Đồng thời, ông Sỹ cho rằng, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng hơn nữa để hỗ trợ phát triển  sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất như khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Như vậy để có nguồn lực thực hiện chuyển đổi công nghệ sản xuất thì doanh nghiệp cần được hỗ trợ vay vốn.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec chia sẻ về quá trình xây dựng KCN Nam Cầu Kiền thành KCN sinh thái. Ảnh: Thu Lê.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) cho biết, thực tế, các nhà đầu tư khi tìm đến các khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào khu công nghiệp sinh thái. Lý do là việc này sẽ giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTA.

KCN Nam Cầu Kiền đã đáp ứng cơ bản các tiêu chí của KCN sinh thái theo Nghị định 82 cũ.

Hiện tại KCN Nam Cầu Kiền đã đáp ứng cơ bản các tiêu chí về một KCN sinh thái theo Nghị định 82 cũ (đang hoàn thiện thêm theo Nghị định 35 thay thế cho Nghị định 82). Và điểm nhấn nổi bật của Nam Cầu Kiền chính là đã xây dựng được 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam…trong KCN Nam Cầu Kiền đều liên kết với nhau rất hài hoà, tạo giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp và bảo vệ môi trường rất tốt.

Tin liên quan
Tin khác