Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam vừa trải qua một chặng đường đầy thăng trầm, “ba chìm, bảy nổi”. Từ lúc là bất hợp pháp, đến lúc được thừa nhận là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, đến giờ, kinh tế tư nhân đang được coi là một động lực quan trọng trong phát triển… mất hàng chục năm.
Nhưng không phải tự nhiên khu vực kinh tế tư nhân có được vị trí, được sự công nhận này. Nhìn lại, trong từng giai đoạn, kinh tế tư nhân luôn tìm cách để vươn lên, tận dụng từng cơ hội để thoát nghèo, làm giàu. Từ sự nghiệp chìm nổi của vua lốp Nguyễn Văn Chẩn tới những bước dài của FPT, Ô tô Trường Hải, Hòa Phát… là ví dụ điển hình.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cần có một không gian thực sự phù hợp để phát triển, để lớn mạnh |
Cho đến nay, cộng đồng khoảng 500.000 DN đã có đóng góp rõ ràng vào sự phát triển của nền kinh tế. Điều này thể hiện qua những con số biết nói như số lượng DN tư nhân thành lập mỗi năm khoảng 8 vạn, đóng góp trong GDP tới 49%…
Điều quan trọng là, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã dần hội nhập với một đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng năng động và chuyên nghiệp hơn, với cơ sở pháp lý liên quan đến đầu tư – kinh doanh ngày càng tiến dần hơn tới thông lệ quốc tế...
Tuy nhiên, điều này là chưa đủ với một nền kinh tế đang phát triển, đang hội nhập mạnh mẽ, càng chưa đủ với một nền kinh tế thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nền kinh tế Việt Nam sẽ rất khó tận dụng cơ hội với 96% là DN nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ…
Nhưng cũng phải thẳng thắn, cho tới thời điểm này, không dễ để các DN tư nhân lớn lên, trở thành những đầu tầu dẫn dắt nền kinh tế. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu một thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện.
Một cách ngắn gọn nhất, thể chế gồm luật chơi, cách chơi và người chơi. Một thể chế tốt sẽ đạt được hai mục tiêu. Một là, có được luật chơi rõ ràng, để người chơi có quyền tiếp cận tương đối công bằng đến các cơ hội kinh tế, nghĩa là có một sân chơi bình đẳng. Hai là, những người cung cấp vốn, cung cấp sức lao động phải được hưởng thành quả xứng đáng và quyền sử hữu tài sản của họ phải được bảo vệ một cách chắc chắn. Trên thực tế, DN tư nhân Việt Nam chưa có được sân chơi bình đẳng, minh bạch. Điều này kéo theo rủi ro kinh doanh lớn, chi phí tuân thủ cao.
Có thể lấy một ví dụ về tình hình ban hành và thực thi các văn bản pháp lý. Mỗi năm, Quốc hội ban hành khoảng 20 luật. Để hướng dẫn thực hiện các bộ luật này, thường có tới cả trăm nghị định, vài trăm thông tư và vài nghìn công văn, văn bản điều hành.
Điều đáng nói là các điều khoản của luật dù có hiệu lực, nhưng gần như chỉ được thực hiện khi các văn bản hướng dẫn được ban hành. Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư tiếp tục kéo dài. Thêm vào đó, khoảng cách giữa các điều luật và nội dung văn bản hướng dẫn không hề nhỏ, thường theo hướng hành chính hóa và bất lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Rất đáng tiếc, đây không phải là ví dụ cá biệt.
Cần phải suy nghĩ khác
Luật chơi, cách chơi hiện tại không phù hợp với các DN, doanh nhân muốn đầu tư – kinh doanh dài hạn, kiếm lợi nhuận từ năng lực cạnh tranh thực sự. Nhưng không dễ để thay đổi thực trạng này khi một phần không nhỏ lợi ích đã hình thành qua quan hệ “xin – cho” từ các bên có liên quan. Hệ quả là, dư địa cho nhóm DN lớn lên nhờ cơ chế, kiếm lợi nhuận trên địa tô lấn át cơ hội của nhóm DN hoạt động dựa trên năng lực sản xuất, kinh doanh.
Điều này đã triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh thị trường, làm méo mó giá trị và động lực khuyến khích, gây ra sự phân bổ nguồn lực bất hợp lý, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả…
Trong khi đó, sự thịnh vượng của một nền kinh tế, của một quốc gia phụ thuộc vào nền kinh doanh lành mạnh, vào khu vực DN phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh, đổi mới và sáng tạo.
Chính phủ đã bắt đầu thay đổi. Nghị quyết 19 với nguyên tắc lấy chuẩn mực cao nhất của các nước ASEAN làm mục tiêu cho sự thay đổi về tư duy, cách làm. Chúng ta cũng đã nhận thấy, Việt Nam đang đứng ở phía dưới về chỉ số mức độ thị trường trong khu vực ASEAN. Có nghĩa là, sẽ cần phải thay đổi rất nhiều để có sự xoay chuyển thực sự, tiến tới nền thị trường cạnh tranh lành mạnh, nhà nước đứng ở đúng vai trò, không làm thay thị trường, để thị trường là yếu tố quyết định phân bố nguồn lực trong nền kinh tế… Tốc độ thay đổi này cần phải nhanh hơn. Trong lúc này, khu vực kinh tế tư nhân phải đóng vai trò tạo áp lực, thúc đẩy tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Nhưng để làm được việc này, DN cũng phải thay đổi rất căn bản. Sẽ phải bỏ thói quen thực thi luật bằng nghị định, rồi thông tư mà phải thực hiện luật theo đúng tinh thần của luật. Không bàng quan, vô cảm và có thái độ thụ động, tiêu cực theo kiểu “từ lâu nó đã thế, thì nó sẽ như thế”. Không chấp nhận để sân chơi hoạch định chính sách cho một số bộ và nhóm lợi ích độc diễn; phải chủ động tập hợp, phản ánh khó khăn, vướng mắc của từng thành viên trong cộng đồng để có tiếng nói trọng lượng trong quá trình xây dựng chính sách; gửi đề xuất, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền; phải đòi hỏi một thể chế thị trường thực sự.
Bản thân từng doanh nhân cũng phải nhìn nhận rõ kinh doanh thân thiện với môi trường và chuẩn mực toàn cầu là cách duy nhất để phát triển bền vững, để bước chân ra thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta phải có suy nghĩ khác, chủ động thúc đẩy sự thay đổi, chứ không thụ động ngồi đợi thay đổi.
Doanh nghiệp tư nhân đã có một tư duy mới để phát triển.
(GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam)
Con số 2 triệu DN tư nhân mà các doanh nhân đang nói đến vẫn là một con số khiêm tốn. Có ba lý do để tôi tin như vậy.
Thứ nhất, Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, thay đổi tư duy phát triển. Trong quá trình này, DN đã trưởng thành nhiều mặt.
Thứ hai, hội nhập sẽ rất khắc nghiệt, không chỉ dong buồm ra biển lớn mà còn là cải cách thể chế, thay đổi ở bên trong rất nhiều để đủ sức vượt biển thành công.
Thứ ba, khẳng định tư nhân là động lực quan trọng của phát triển trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã khẳng định vị thế của khu vực kinh tế tư nhân. DN tư nhân đã có được khuôn khổ, định hình, một tư duy mới để phát triển.
Quên đi những lợi thế có được khi chưa phải hội nhập để làm lại.
(Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải)
Khi làm DN, bên cạnh kiếm sống, doanh nhân có triết lý là tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua kinh doanh, đồng thời có đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
Hơn bao giờ hết, giá trị thật của trách nhiệm kinh doanh phải được đề cao. DN sẽ từng bước sản xuất, đầu tư công nghệ, làm dịch vụ tốt... chứ không chỉ buôn bán đơn thuần. Khi tạo ra giá trị thật, khách hàng sẵn sàng bỏ nhiều tiền để sở hữu sản phẩm, dịch vụ thì đó là lợi nhuận của DN.
Hãy quên đi những lợi thế, những cái có được trong bối cảnh chưa hội nhập, còn nhiều khúc mắc. DN phải làm lại, phải làm trong bối cảnh giá trị thực và cạnh tranh với nước ngoài.
Từng doanh nghiệp phải cạnh tranh một cách đạo đức, sòng phẳng.
(Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow)
Cơ chế, thể chế tác động rất lớn tới chiến lược, định hướng kinh doanh của từng DN. Nếu cơ chế đó thuận, DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu không, đúng là nhiều lúc như đang đi trên cầu khỉ. Ở góc độ nhà nước, chúng tôi cần Nhà nước tạo cơ chế, gỡ rào cản cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất kinh doanh...
Tất nhiên, ở vế còn lại, bản thân từng DN cũng phải phát triển tri thức, đầu tư bài bản, nâng cao quản trị, cạnh tranh một cách đạo đức, sòng phẳng chứ không thể cứ “đòi cơ chế” một cách một chiều. Chỉ khi DN thẳng thắn với chính mình, không lách cơ chế để tìm lợi nhuận thì DN tư nhân sẽ thực sự lớn mạnh, trở thành động lực cho phát triển.
Chính phủ cần thay đổi từ duy, phải toan tính vì doanh nghiệp.
(Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái)
DN, doanh nhân hiện nay, ngoài các yếu tố hiệu quả về doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cần nhấn mạnh các yếu tố hội nhập, công nghệ tiên tiến, năng lực cạnh tranh toàn diện, yếu tố về minh bạch và đạo đức kinh doanh.
DN đã mang lại sản phẩm và dịch vụ gì thực sự có ích lợi cho khách hàng, cho đất nước, chứ không phải chỉ “cào cấu”, “chụp giựt”... Doanh nhân thay đổi nhận thức về sứ mệnh của mình, Chính phủ cần thay đổi từ duy, phải toan tính vì DN, tạo môi trường để DN , doanh nhân lớn lên.