Doanh nghiệp
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi đầy triển vọng tại Quảng Bình
Việt Hương - 17/01/2021 13:34
Ngành nông nghiệp Quảng Bình phát triển nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…, đẩy mạnh xuất khẩu.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác giúp nông dân Quảng Bình tăng năng suất sản phẩm

Tạo đà ứng dụng công nghệ cao

Nhằm tạo đà cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Để làm cơ sở cho định hướng trên, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của địa phương; bố trí kinh phí hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Bình đã tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực tập trung đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Bình.

Thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư phát triển khoa học - công nghệ của tỉnh, các nguồn kinh phí từ chương trình dự án, hàng năm, Hội đồng Khoa học - công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức xét chọn các đơn đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ, sáng kiến kỹ thuật triển khai một số đề tài, dự án trọng điểm về sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tiêu biểu gần đây có 1 dự án khoa học - công nghệ cấp bộ (Dự án Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn), một đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh (Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất giá thể hữu cơ trồng rau quả an toàn) và 65 mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ được đưa vào thực hiện, duy trì có hiệu quả.

“Hiện tại, Quảng Bình có 2 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao (Công ty cổ phần Thanh Hương, diện tích mặt nước nuôi tôm 20 ha tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, sản lượng 400 - 500 tấn/năm; Công ty cổ phần Đức Thắng, diện tích mặt nước nuôi tôm 11,2 ha tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, sản lượng 300 - 400 tấn/năm), có 38 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP (trong đó, có 22 cơ sở trồng trọt, 12 cơ sở chăn nuôi và 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản), có 27 đơn vị sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Minh cho biết.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này hiện có 18 cơ sở sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ở các mức độ khác nhau với tổng diện tích khoảng 100 ha. Lĩnh vực sản xuất chủ yếu là sản xuất rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu và trồng hoa… với những dự án tiêu biểu như Dự án Trồng cây dược liệu, Dự án Trang trại nông nghiệp công nghệ cao, Dự án Nông trại sản xuất thực phẩm sạch, Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao…

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, địa phương hiện có 3 cơ sở chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên  nhiều khâu sản xuất; một số cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, cho tôm ăn bằng máy cho ăn tự động, quản lý bằng hệ thống camera...

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu xây dựng 2 - 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương tiềm năng, như khu vực Tây Bắc TP. Đồng Hới, Tây Nam huyện Bố Trạch... Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao (51 cơ sở); phấn đấu có khoảng 30 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao...

Liên kết để phát triển

Với hơn 116 km bờ biển và 5 cửa sông lớn, đây là nơi lý tưởng để phát triển việc đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, đặc biệt là nuôi trồng thủy, hải sản ở vùng nước sâu sử dụng công nghệ cao, tự động hóa.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng, với dư địa là quỹ đất rộng lớn, Quảng Bình có rất nhiều điều kiện để phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lớn, khá tốt. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao tập trung trước hết vào chăn nuôi.

“Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất con giống như tôm thẻ chân trắng, giống lợn… Một số doanh nghiệp ở đây đã thành lập trung tâm sản xuất con giống cho cả miền Bắc và đang phát triển rất tốt”, ông Thắng chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, để tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương tiếp tục tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ngành nông, lâm, thủy sản; chú trọng liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, gắn kết với tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học - công nghệ , nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông, lâm, thủy sản.

Dân số tỉnh Quảng Bình hơn 895.000 người, trong đó, những người trong độ tuổi lao động chiếm 64%. Lao động qua đào tạo chiếm trên 60%, trong đó, qua đào tạo nghề là 36%. Đây cũng là một lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ, bởi họ có thể sử dụng được tại chỗ nguồn nhân lực dồi dào này.

Tin liên quan
Tin khác