Mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam |
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, với một số nội dung cụ thể như sau:
Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bảo đảm các điều kiện làm việc và hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, đội dân phòng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật.
Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.
Phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ tai nạn, sự cố.
Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo sự cố; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.
6 vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy
Quyết định nêu rõ Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đến năm 2030 gồm: Phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó, về phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, căn cứ Quy hoạch tổng thể quốc gia và đặc thù của lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy được phân thành 06 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.
Phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy
Về phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy, theo Quyết định, xây dựng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở Trung ương gồm: 1- Cơ quan Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 2- Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành quốc gia về phòng cháy, chữa cháy gắn với triển khai "Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố"; 3- Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung); 4- Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 5- Kho phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 6- Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung); 7- Bảo tàng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; 8- Nâng cấp, cải tạo, xây mới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, huấn luyện của Trường Đại học phòng cháy và chữa cháy.
Ở địa phương: 1- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị, địa phương.
3- Các Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bố trí tại các địa phương trung tâm của Vùng).
Thí điểm thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện
Bên cạnh đó, Quyết định nêu rõ, xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện. Cụ thể, xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương. Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...
Nhu cầu vốn đầu tư
Quyết định nêu rõ, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương được xác định trong quá trình lập, phê duyệt các dự án cụ thể của các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.