Diễn biến VN-Index phiên ngày 16/9 |
Việc BID bất ngờ bị loại khỏi danh mục của VNM ETF có phần gây hoang mang lên tâm lý nhà đầu tư trong phiên sáng nay. Điều này tác động tiêu cực lên sức cầu của thị trường, khiến giao dịch càng về cuối càng trở nên ảm đạm. Thanh khoản teo tóp, VN-Index cũng “ngậm ngùi” đảo chiều dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế.
Trong phiên chiều, tình trạng này tiếp tục diễn ra trong phần lớn thời gian giao dịch. Cả 2 chỉ số duy trì nhịp giằng co khá mạnh và dần lùi xa mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ở thời điểm cuối phiên, sức cầu đã có sự hồi phục, vừa đủ để kéo các chỉ số hồi trở lại và nhích nhẹ qua tham chiếu. Mặc dù vậy, lực cầu này vẫn chưa thực sự tốt khi chỉ tập trung tại một số mã cổ phiếu đủ mạnh để kéo chỉ số, vì vậy thanh khoản chung không được cải thiện.
Đóng cửa, với 104 mã tăng và 85 mã giảm, VN-Index tăng 0,86 điểm (+0,15%) lên 564,13 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 5,25 điểm (+0,92%) lên 576,78 điểm với 16 mã tăng và 6 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch chỉ ở mức 74,65 triệu đơn vị, giá trị 1.223,54 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 12,5 triệu đơn vị, giá trị 282 tỷ đồng. Ngoài các mã có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý trong phiên sáng như HAR, EIB, STG và VIC, phiên chiều có thêm 4,2 triệu cổ phiếu KDC, trị giá gần 99 tỷ đồng; 0,433 triệu cổ phiếu MSN, trị giá 33,376 tỷ đồng; cùng với đó là 1 triệu trái phiếu E1VFVN30, trị giá 9,13 tỷ đồng và 0,12 triệu trái phiếu VIC11501, trị giá gần 13 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên ngày 16/9 |
Với 80 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,08%) lên 76,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 26,46 triệu đơn vị, giá trị gần 289 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 10,53 tỷ đồng.
Thanh khoản của BID chưa được cải thiện dù phần lớn số lệnh giá sàn đã được hủy bớt. Đóng cửa, BID vẫn đo sàn, chỉ khớp được 130.000 đơn vị và còn dư mua giá sàn 2,53 triệu đơn vị. Tình trạng này của BID được dự báo sẽ còn kéo dài khi lượng lớn cổ phiếu mà cả 2 bên nội-ngoại đua mua ở phiên tăng trần hôm qua còn chưa về đến tài khoản.
Ngoài ra, các mã MBB, CTG và EIB vẫn giảm từ 1-2 bước giá. MBB khớp 2,14 triệu đơn vị, CTG khớp 1,38 triệu đơn vị. Còn VCB và STB đã tăng khá mạnh trở lại, VCB tăng 1.300 đồng lên 44.000 đồng/CP, STB tăng 500 đồng lên 16.200 đồng/CP.
Nhóm chứng khoán cũng yếu đi rõ rệt. SSI và HCM cùng giảm nhẹ, trong đó SSI khớp 1,84 triệu đơn vị.
VIC cũng là mã có thanh khoản tăng tốt trong phiên chiều nay với 1,29 triệu đơn vị được khớp, nhưng vẫn đứng ở mức tham chiếu. Ngược lại, HAG đã chững lại khi vẫn giữ nguyên mức tăng 600 đồng và khớp được 2,88 triệu đơn vị.
KDC dù được thỏa thuận khá mạnh, nhưng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 778.000 đơn vị, tăng 500 đồng lên 23.700 đồng/CP.
Thị trường chung giao dịch ảm đạm, nên ngoài các mã lớn, cũng chỉ có một số mã vừa và nhỏ khác như FLC, OGC, ASM, BGM, ITA, FIT, HAR, HHS, NT2, PDR, SBT, SHI là có thanh khoản tốt và phân hóa khá rõ.
HAR dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 3,7 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm 100 đồng. FLC và SBT cũng khớp hơn 3 triệu đơn vị, nhưng đều tăng nhẹ. SHI tăng kịch trần lên 12.500 đồng và khớp 2,57 triệu đơn vị. NT2 khớp 1,2 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu. Các mã khác cùng có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, nhóm HNX30 đã yếu hẳn so với phiên sáng khi chỉ còn 6 mã tăng. Tuy nhiên, nhờ những mã lớn như ACB về được tham chiếu, SHB tăng nhẹ 100 đồng, VCG tăng 300 đồng lên 11.000 đồng/CP và khớp 3,5 triệu đơn vị, mạnh nhất HNX, HUT tăng 400 đồng và khớp 1,2 triệu đơn vị.... nên HNX-Index may mắn giữ được sắc xanh.
KLF đứng giá tham chiếu và khớp 1,68 triệu đơn vị.TIG vẫn giữ mức giảm 100 đồng và khớp 3,2 triệu đơn vị.
Ngoài VCG, HUT, TIG và KLF, mã WSS gây chú ý khi cũng là một trong số ít mã khớp được trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 200 đồng lên 8.200 đồng/CP.