Diễn biến VN-Index phiên ngày 21/8 |
Trong phiên giao dịch sáng, việc thiếu thông tin hỗ trợ khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, hoạt động giao dịch theo đó diễn ra không mấy sôi động. Thị trường chủ yếu diễn biến lình xình, giằng co quanh tham chiếu khi thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Tuy vậy, VN-Index vẫn tăng điểm khi một số nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, chứng khoán... tăng giá, dù không quá mạnh, trong khi trụ cột chính là nhóm ngân hàng khá lình xình.
Bước vào phiên chiều, VN-Index sớm bật lên khi nhóm ngân hàng đồng loạt tăng điểm nhờ sức cầu bất ngờ được cải thiện. Sự tích cực hơn của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các trụ đỡ khác duy trì sự ổn định đã giúp VN-Index kết phiên với mức tăng gần 10 điểm, cũng là mức cao nhất ngày. Thanh khoản cải thiện khá đáng kể.
Đóng cửa, với 171 mã tăng và 113 mã giảm, VN-Index tăng 9,59 điểm (+0,99%) lên 979,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 200,57 triệu đơn vị, giá trị 4.433 tỷ đồng, tăng 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 20/8.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34 triệu đơn vị, giá trị 1.040 tỷ đồng, trong đó có 12 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 367,2 tỷ đồng; 4,9 triệu cổ phiếu SBT, giá trị gần 92 tỷ đồng; 3 triệu cổ phiếu BWE, giá trị 58,2 tỷ đồng...
Nhận được sức cầu tốt, nhiều mã ngân hàng bật tăng mạnh như BID +5,1% lên 33.000 đồng; CTG +3,1% lên 26.500; VCB +2,1% lên 62.700 đồng; VPB +2,4% lên 25.500 đồng... thanh khoản cũng ở mức cao: CTG khớp 7,1 triệu cổ phiếu, STB và MBB cùng khớp trên 5 triệu đơn vị, BID khớp 4,07 triệu đơn vị, VPB khớp 3,8 triệu đơn vị... Trong các mã ngân hàng, TCB không mấy tích cực, nhưng vẫn về được tham chiếu 26.500 đồng, thanh khoản khá mạnh với 0,9 triệu đơn vị.
Cùng với ngân hàng, các nhóm cổ phiếu trụ khác như bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán, tiêu dùng... cũng đều thể hiện sự tích cực để giúp VN-Index bay cao. Trong đó, đa phần các cổ phiếu đầu ngành như VIC, VHM, VNM, MSN, HPG, SSI, MWG, SBT, PNJ, VJC... đều tăng điểm.
SSI tăng 5% lên 30.600 đồng, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị. VHM tăng 1% lên 109.900 đồng. VNM tăng 1,8% lên 163.000 đồng...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng lan tỏa, trong đó có các mã nóng như FLC, SCR, HNG, HAG... FLC tăng 4,3% lên 6.600 đồng, khớp lệnh 23,3 triệu đơn vị, dẫn đầu san. SCR tăng sát trần 5,9% lên 9.350 đồng, khớp lệnh 7,2 triệu đơn vị. HAG tăng 0,1% lên 7.130 đồng, khớp lệnh 6,3 triệu đơn vị, còn HNG tăng 3,2% lên 15.900 đồng, khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị...
Một số mã như DRC, TGG, PLP, CRC... tăng trần, trong đó DRC khớp 1,07 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diến giằng co cũng diễn ra, song đều ở mức giá xanh và kết phiên ở mức cao gần nhất ngày khi nhận được tín hiệu tích cực từ HOSE, thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 87 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 1,96 điểm (+1,81%) lên 110,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,5 triệu đơn vị, giá trị 557 tỷ đồng, tăng 18,5% về khối lượng và 39,5% về giá trị so với phiên 20/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8 tỷ đồng.
Có thể nói, đóng góp lớn nhất vào đà tăng chung của sàn HNX là mã ACB với mức tăng 3,3% lên 37.900 đồng. Cùng với đó, SHB tăng 2,4% lên 8.600 đồng; PVS tăng 3,1% lên 19.900 đồng... Đáng chú ý, CEO tăng trần lên 13.900 đồng (+9,4%).
SHB khớp 7,87 triệu đơn vị. ACB khớp 5,1 triệu đơn vị; PVS khớp 4,3 triệu đơn vị; CEO khớp 3,63 triệu đơn vị. Đây là 4 mã thanh khoản cao nhất sàn.
Mã NVB cũng tăng 1,3% lên 7.800 đồng, khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị.
Khác với HOSE, nhiều mã nhỏ trên sàn HNX giảm sàn như HHG, AVV, KSQ, NHP, VIG, PVL...
Trên sàn UPCoM, diễn biến có phần trái ngược với 2 sàn niêm yết khi nhiều mã lớn trên sàn này giảm điểm do chịu áp lực bán mạnh. Tuy nhiên, khá may mắn là sàn này vẫn dữ được sắc xanh.
Đóng cửa, với 97 mã tăng và 65 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 51,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,24 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng, tăng 40,5% về khối lượng và 91% về giá trị so với phiên 20/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,22 đơn vị, giá trị 138,25 tỷ đồng.
Trong 4 mã thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ BSR là tăng điểm với mức tăng 0,6% lên 16.600 đồng, còn lại đều giảm: VEA -2% về 29.700 đồng, ART -1,3% về 7.500 đồng và LPB -1,1% về 9.300 đồng.
BSR khớp lệnh 1,64 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Các mã VEA, ART và LPB khớp từ 1-1,1 triệu đơn vị.
Sự phân hóa diễn ra ở nhiều mã lớn khác. Ở phía tăng có VGT, OIL, DVN... còn giảm là HVN, POW, VIB, QNS, MSR...