Diễn biến VN-Index phiên ngày 9/11 |
Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý giằng co giữa bên mua và bên bán vẫn tiếp diễn khiến thị trường liên tục đảo chiều. Sau hơn 30 phút giao dịch lình xình, lực cầu hấp thụ mạnh đã kéo VN-Index tiến sát mốc 615 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán một lần nữa chiếm ưu thế và tăng mạnh hơn về cuối phiên đã kéo thị trường suy giảm mạnh, Vn-Index lùi về ngưỡng 610 điểm.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 95 mã tăng và 123 mã giảm, trong đó, các cổ phiếu bluechip đóng vai trò lực hãm chính khi có tới 21 mã giảm và chỉ 5 mã tăng. Chỉ số VN-Index giảm 1,7 điểm (-0,28%) xuống 610,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 122,66 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.170,59 tỷ đồng.
Dù nhóm bất động sản thu hút được dòng tiền trở lại, nhưng trước sức ép từ các mã lớn như VNM, FPT, nhóm dầu khí, CTG..., nên nỗ lực của nhóm bất động sản và khoáng sản không đủ sức giúp thị trường đảo chiều.
Giao dịch thỏa thuận tiếp tục có đóng góp tích cực đẩy mạnh thanh khoản thị trường với khối lượng đạt 10,32 triệu đơn vị, trị giá 350,22 tỷ đồng. Trong đó, VNM tiếp tục thỏa thuận lượng lớn 696.660 đơn vị, trị giá 96,14 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 1,42 triệu đơn vị, trị giá 64,18 tỷ đồng; HSG thỏa thuận 2 triệu đơn vị, trị giá 88,6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường như VNM giảm 1,55%, PVD giảm 1,4%, FPT giảm 1,9%, BVH giảm 3,23%, GAS giảm 1,05...
Trong khi hầu hết các bluechip đang đỏ điểm, các cổ phiếu lớn trong nhóm chứng khoán, dầu khí đều giao dịch thiếu tích cực thì ở nhóm ngân hàng khá phân hóa. Cụ thể, EIB, CTG đang giảm nhẹ 1 bước giá, STB đứng giá tham chiếu trong khi VCB tăng mạnh gần 2,3%, MBB tăng 2,11%.
Ở nhóm khoáng sản, các mã “tí hon” tiếp tục duy trì sắc tím ổn định với lượng dư mua trần tích cực như BGM, KSA, KSS, KTB, LCM. Trong đó, BGM dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, KSA dư mua trần hơn 0,8 triệu đơn vị, LCM dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Mặt khác, sau một tuần “đen tối” khi lần lượt rớt sàn và rơi vào vị trí dẫn đầu của top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần, các cổ phiếu ô tô đã lấy lại phong độ. Cụ thể, HAX, HLT, SVC, TMT đều tìm lại sắc tím và còn dư mua trần, tuy nhiên, thanh khoản trong nhóm khá thấp.
Trái lại, diễn biến dòng tiền sôi động đang tập trung mạnh ở các cổ phiếu nhóm bất động sản.
Tuyên bố của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết rằng, sẵn sàng cầm cố tài sản để mua lại cả vốn điều lệ Công ty nếu đến năm 2016, thị giá cổ phiếu FLC vẫn dưới mệnh giá trong buổi gặp mặt nhà đầu tư vào cuối tuần trước đã tiếp thêm động lực giúp cổ phiếu này tăng vọt trong phiên hôm nay. Tuy lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên chiều nhưng với thông điệp trên, tâm lý kỳ vọng hơn vào việc đẩy giá cổ phiếu FLC trong thời gian tới khiến giao dịch trong phiên chiều chững lại. Đóng cửa, FLC duy trì sắc tím với mức tăng 5,71% với lượng khớp lệnh 16,52 triệu đơn vị và dư mua trần 7,42 triệu đơn vị.
Bên cạnh FLC, cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản cũng giao dịch sôi động là CII với lượng khớp lệnh lên tới 12,47 triệu đơn vị. Tuy nhiên, do áp lực bán mạnh vào cuối phiên khiến CII lùi sâu về sát giá sàn với mức giảm 1.100 đồng (-4,91%) xuống 21.300 đồng/Cp.
Ngoài ra, các mã khác trong nhóm này cũng giao dịch khá mạnh như FIT chuyển nhượng thành công hơn 6 triệu đơn vị; ITA khớp 3,71 triệu đơn vị; HAI khớp 2,57 triệu đơn vị…
Tương tự, tâm lý thị trường không ổn định cũng diễn ra trên sàn HNX. Chỉ số HNx-Index giằng co quanh mốc tham chiếu và đóng cửa giảm điểm nhẹ khi chịu sức ép của các cổ phiếu bluechip.
Diễn biến HNX-Index phiên ngày 9/11 |
Cụ thể, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,1%) xuống 81,42 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 41,36 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 421,83 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,18 điểm (-0,12%) xuống 150,36 điểm khi có 15 mã giảm, 6 mã tăng và 9 mã đứng giá.
Nếu trong tuần trước, hầu hết các cổ phiếu nhóm chứng khoán đều nhích nhẹ thì trong phiên hôm nay, các mã này đều diễn biến thiếu tích cực như BVS, KLS đỏ điểm; VND, SHS đứng giá tham chiếu.
Trong khi đó, các cổ phiếu khoáng sản tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Cụ thể, ACM tăng trần và khớp 1,84 triệu đơn vị; BAM cũng tăng trần với lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn là KLF với khối lượng khớp lệnh đạt 6,47 triệu đơn vị; đóng cửa, KLF tăng 7,14% lên sát trần 4.500 đồng/Cp. Tiếp đó, VCG khớp 2,98 triệu đơn vị và SCR khớp 2,26 triệu đơn vị.