Y tế - Sức khỏe
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo đảm bảo vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng
D.Ngân - 11/05/2023 22:08
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, tổ chức việc đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung, trên cơ sở cân đối nguồn vắc-xin viện trợ, không để thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề tự chủ bệnh viện; xử lý vấn đề thuốc, sinh phẩm y tế dự phòng và một số vấn đề liên quan.

Ảnh minh họa.

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến đã nêu khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi chuyển từ đặt hàng tập trung của Bộ Y tế để phân bổ cho các địa phương, sang các địa phương tự đấu thầu mua vắc-xin.

Trước thực tế nêu trên Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, tổ chức việc đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung, trên cơ sở cân đối nguồn vắc-xin viện trợ, không để thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng.

Theo báo cáo mới nhất về tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam không được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Cũng theo UNICEF, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc-xin” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc-xin nào trong năm 2021. 

Hơn 20 loại vắc-xin được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... 

Đặc biệt, tỷ lệ uống vắc-xin bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.

Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại tình trạng trẻ “nợ” vắc-xin hiện nay, đây sẽ là khoảng trống miễn dịch, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh. 

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, việc chậm trễ hay bỏ lỡ tiêm chủng vắc-xin chắc chắn sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ cao tạo nên các đợt dịch bệnh. 

Đặc biệt, là dịch sởi, bởi sởi thường lây lan rất mạnh, bùng phát nhanh, dễ trở nặng nếu không phát hiện kịp thời, dẫn đến quá tải hệ thống y tế. 

Việt Nam đã từng chịu đợt dịch sởi vào đầu năm 2014 khiến hơn 7.000 trẻ mắc, 111 ca tử vong chỉ trong vòng 3 tháng. Một trong 3 nguyên nhân gây bùng phát dịch sởi vào năm này là nhiều gia đình chưa đưa con em đi tiêm phòng sởi do lo sợ biến chứng.

Để lấp khoảng trống miễn dịch, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cần khẩn trương khôi phục lại lệ tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao. 

Bên cạnh đó, đứng trước nguy cơ mắc bệnh, mọi người đều cần có ý thức phòng bệnh như hiểu biết về bệnh truyền nhiễm để tự phòng bệnh, đặc biệt khi đi vào vùng có dịch bệnh lưu hành. 

Ngoài ra, ngành Y tế cần tuyên truyền, cảnh báo người dân để nâng cao cảnh giác, tăng cường nhận thức và ý thức phòng bệnh.

Chuyên gia cũng cho rằng với hai hệ thống tiêm chủng song song như hiện nay là tiêm chủng mở rộng thuộc Nhà nước và tiêm chủng dịch vụ của tư nhân, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vắc-xin cho nhân dân. 

Người dân đến các cơ sở tiêm chủng, dù là công lập hay tư lập, đều mong muốn được sử dụng vắc-xin phòng bệnh an toàn, công hiệu. Vì vậy, việc đầu tiên là đội ngũ chuyên môn cần tư vấn chuẩn xác dựa trên nhu cầu của người dân, khám sàng lọc kỹ càng và cơ sở tiêm chủng cần có đủ chủng loại vắc-xin để có thể phục vụ các nhu cầu khác nhau (theo lứa tuổi, giới tính) của người dân.

Bên cạnh đó, trong việc thực hiện mũi tiêm cho đối tượng tiêm chủng, cần thực hiện đúng kỹ thuật đã được khuyến cáo với từng loại vắc-xin và hướng dẫn góp phần giảm đau khi tiêm. 

Việc theo dõi và/hoặc hướng dẫn để người dân tự theo dõi để sớm phát hiện các biến cố sau tiêm chủng cũng hết sức cần thiết để đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Tất cả các yếu tố trên nếu được đảm bảo tối đa, tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định thì sẽ đem lại trải nghiệm nhẹ nhàng khi tiêm chủng.

Ngoài ra, nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vắc-xin có thể đến tiêm các mũi bổ sung.

Các chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, mùa nắng nóng là cơ hội cho virus, vi khuẩn phát triển. Việc trẻ khó ăn, khó ngủ do thời tiết khiến hệ miễn dịch kém hơn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, cha mẹ phải cho con tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ trước các bệnh dịch nguy hiểm.

"Một đồng bỏ ra cho tiêm chủng sẽ tiết kiệm 100 đồng chi phí khám chữa bệnh nếu không may mắc bệnh, do vậy các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế", bác sĩ Tuấn Hải nêu.

Tin liên quan
Tin khác