Các nhà giao dịch làm việc trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào ngày 23/8/2024. Ảnh: Michael Santiago/Getty images/AFP |
Value stock và small-cap được khuyến nghị mua vào; cổ phiếu công nghệ vẫn có sức hút
Triển vọng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Mỹ mang đến tín hiệu đáng khích lệ cho các nhà đầu tư đang lo ngại về sự tập trung vào cổ phiếu công nghệ, khi thị trường đang chờ đợi dữ liệu thị trường việc làm và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Khi vận may của thị trường liên tục biến động lên xuống cùng với các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia và Apple, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các cổ phiếu giá trị và các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, với kỳ vọng chúng sẽ hưởng lợi từ quyết định hạ lãi suất của Fed. Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/9.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng xu hướng tăng điểm vốn đã tăng tốc vào tháng 7 trước khi chững lại trong đợt bán tháo đầu tháng 8, là một diễn biến lành mạnh trong đợt tăng giá của thị trường do một nhóm cổ phiếu công nghệ lớn dẫn đầu.
Điển hình, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia, vốn được hưởng lợi từ các khoản đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã chiếm khoảng 1/4 mức tăng 18,4% của chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm đến nay.
Các cổ phiếu giá trị là cổ phiếu của các công ty giao dịch ở mức chiết khấu theo các số liệu như giá trị sổ sách hoặc giá trên thu nhập và các cổ phiếu này đến từ các lĩnh vực như tài chính và công nghiệp. Một số nhà đầu tư tin rằng các đợt tăng giá ở các cổ phiếu tài chính và công nghiệp và các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể sẽ tiếp tục nếu Fed hạ lãi suất trong khi nền kinh tế vẫn khỏe mạnh.
Sự luân chuyển của thị trường gần đây đã tăng tốc, với 61% cổ phiếu trong rổ S&P 500 đạt hiệu suất hoạt động nổi bất trong tháng qua, cao hơn nhiều so với mức 14% trong năm qua, theo dữ liệu của tập đoàn tài chính Mỹ Charles Schwab.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu "Magnificent 7", gồm cổ phiếu của các "gã khổng lồ" công nghệ như Nvidia, Tesla và Microsoft, đã hoạt động kém hơn 493 cổ phiếu khác trong rổ S&P 500, kể từ sau thông tin lạm phát Mỹ yếu hơn dự đoán được công bốvào ngày 11/7, theo phân tích của Bank of America.
"Khi độ rộng thị trường (các chỉ số phân tích kỹ thuật đánh giá mức tăng và giảm giá của một chỉ số chứng khoán nhất định - BTV) được cải thiện, thông điệp là ngày càng có nhiều cổ phiếu tăng giá nhờ kỳ vọng rằng các điều kiện kinh tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận", các nhà phân tích tại Ned David Research nhận định.
Các cổ phiếu giá trị hoạt động tốt kể từ đầu năm đến nay, đáng chú ý là cổ phiếu của tập đoàn General Electric và công ty năng lượng trung gian Targa Resources tăng lần lượt 70% và 68%. Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng 8,5% so với mức thấp nhất trong tháng, mặc dù chưa vượt qua mức đỉnh của tháng 7.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp - bức tranh khai quát về thị trường việc làm Mỹ - dự kiến được công bố vào vào ngày 6/9, có thể giúp củng cố lập luận về một đợt tăng giá chung của thị trường chứng khoán Mỹ nếu nó cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt ở tốc độ ổn định, mặc dù không đáng báo động, theo ông David Lefkowitz, trưởng bộ phận thị trường vốn Mỹ tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management.
Báo cáo việc làm "có chiều hướng là một trong những bản báo cáo có tác động lớn nhất đến thị trường nói chung và hiện tại, báo cáo này sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn bình thường".
Ông Jason Alonzo, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Harbor Capital, cho rằng các nhà đầu tư khó có thể quay lưng lại với cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nếu sự biến động mang lại cho họ cơ hội mua vào với giá rẻ.
Theo dữ liệu của tập đoàn chứng khoán London (LSEG), cổ phiếu công nghệ dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn thị trường trong các quý cho đến năm 2025, với lợi nhuận quý III năm nay ước tăng 15,3%, gấp đối mức tăng 7,5% của rổ S&P 500.
Ông Alonzo cho rằng, đôi khi các nhà đầu tư sẽ hít một hơi thật sâu sau một đợt tăng giá tốt và xem xét các cơ hội khác, nhưng công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng rõ ràng nhất.
Tăng mức cược về kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"
Mức độ tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" đang tăng mạnh trên khắp các thị trường tài sản ở Mỹ. Đơn cử, các quỹ giao dịch trên sàn theo dõi nợ chính phủ, tín dụng doanh nghiệp và cổ phiếu hiện đã tăng đồng loạt trong 4 tháng liên tiếp. Đây là đợt tăng tương quan dài nhất kể từ ít nhất năm 2007.
Theo dữ liệu 7 thập kỷ do Ned Davis Research và Bloomberg tổng hợp, chỉ số S&P 500 đã tăng tới 25% trong 12 tháng qua và chưa bao giờ tăng nhiều như vậy trong quá trình chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên mà Fed thực hiện cho một chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Các nhà giao dịch đang đổ xô đặt cược vào các giao dịch tài sản ngay cả khi vẫn còn những câu hỏi nghiêm túc về sức khỏe của kinh tế Mỹ, lạm phát và cách các quan chức Fed ra quyết định chính sách. Trước khi Fed bắt đầu hành động, thị trường trái phiếu đã định giá một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, các biện pháp rủi ro vỡ nợ đang giảm và cổ phiếu tăng vọt phản ánh những cược chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ.
Mức tăng 2,3% đối với chỉ số S&P 500 vào tháng 8, tăng 1,8% đối với các quỹ ETF tập trung đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn và tăng 1,5% đối với trái phiếu đầu tư, đều là những màn phô diễn sức mạnh của những nhà đầu cơ giá lên trên nhiều thị trường tài sản, những người tin rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ cắt giảm lãi suất để nền kinh tế lành mạnh. Nói chung, các khoản cược phụ thuộc vào cách dữ liệu kinh tế biến động ra sao trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 17-18/9.
"Mọi thứ phải diễn ra đúng như mong đợi", bà Lindsay Rosner, người đứng đầu bộ phận đầu tư đa ngành tại công ty quản lý tài sản Goldman Sachs, đánh giá. "Chúng ta cần tiếp tục kỳ vọng xu hướng tăng trưởng kinh tế hoặc vượt xu hướng. Chúng ta cần có một thị trường lao động không quá nóng, không quá lạnh. Và điều đó sau đó sẽ cho phép người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng. Tất cả những thứ đó phải cân bằng hoàn hảo", nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định.
Giới giao dịch đang trông đợi dữ liệu ngành sản xuất chế tạo của Mỹ, đơn đặt hàng các hàng hóa lâu bền và đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cũng sẽ được công bố vào tuần tới, mỗi dữ liệu đều có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý tại thời điểm tăng trưởng trở thành nỗi ám ảnh duy nhất của thị trường. Tại hội nghị kinh tế thường niên Jackson Hole của Fed vào tuần trước, ông Powell đã nói rằng "hướng đi đã rõ ràng" về chính sách trong tương lai, nhưng "thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới, triển vọng dễ thay đổi và sự cân bằng của các rủi ro."
Các nhà giao dịch đang lao vào mọi thứ, từ cổ phiếu vốn hóa nhỏ đến nợ đầu cơ vì tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái do người tiêu dùng dẫn đầu mặc dù thị trường lao động suy yếu. Dữ liệu EPFR Global do Bank of America tổng hợp cho thấy các quỹ tập trung vào cổ phiếu Mỹ đã thu hút thêm đầu tư 5,8 tỷ đô la trong tuần thứ chín liên tiếp và các quỹ chuyên về lợi suất cao đã thu hút được 1,7 tỷ USD.
Để ứng phó với lạm phát tăng vọt, Fed đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5,25 - 5,50% kể từ tháng 7/2023. |