Chương trình trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hoàn thành chặng cuối của hành trình xóa đói giảm nghèo. |
Sự kiện này đã chính thức khởi động chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0”.
Với hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0” sẽ tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự mở rộng kinh doanh sản xuất.
Thông qua sự kiện này, các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có cơ hội được kết nối, làm quen trong hành trình tăng tốc, dựa trên sáng kiến 3M (match, mentoring and move – kết nối, đồng hành và phát triển).
Cũng cần nói thêm, sáng kiến 3M đem tới cho người dân và đối tác của họ cơ hội gặp gỡ, trao đổi về những thách thức, cơ hội tại địa phương và tìm kiếm các giải pháp, đặc biệt tìm hiểu về cách người dân giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội ra sao từ đó xây dựng hệ thống các giải pháp khả thi và liên tục đưa các giải pháp đó vào thực nghiệm tiến tới bàn giao hệ thống các giải pháp đã qua thử nghiệm cho các đối tượng nằm trong khuôn khổ chương trình.
Với mục đích này, sự kiện sẽ giúp các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số được tìm hiểu và tiếp cận công nghệ vào sản xuất kinh doanh như nền tảng thương mại điện tử cho phép các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận với thị trường và các chuỗi giá trị; các giải pháp tài chính hiện đại như ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm vi mô; các mô hình học tập trực tuyến, đào tạo kĩ năng, đào tạo khởi nghiệp và cập nhật thông tin liên quan để phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai mang lại; các công nghệ sản xuất mới như nông nghiệp thông minh, nền tảng blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm….
Phát biểu tại sự kiện, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, với 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 - 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Caitlin, cách mạng 4.0 và công nghệ sẽ là công cụ hiệu quả kết nối các doanh nghiệp của người dân tộc thiểu số với thị trường nhằm thu hẹp khoảng cách và thực hiện thành công chặng cuối của hành trình xóa đói giảm nghèo.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số có tiềm năng rất lớn, tạo điều kiện cho đồng bào và phụ nữ dân tộc thiểu số nhanh chóng cải thiện sản xuất và mở rộng kinh doanh, thoát nghèo bền vững. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc tận dụng cơ hội này”, bà Caitlin nói.
Là một trong những tỉnh được hưởng lợi từ chương trình, ông Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Với sự quan tâm của Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, chuỗi hoạt động kết nối đối tác tại sự kiện ngày hôm nay là rất quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới kỹ thuật, kết nối các đối tác tiềm năng để hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các tổ nhóm, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường. Đây là cách làm mới, phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Chính phủ, mục tiêu cuối cùng cần đạt được là hướng tới tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nghèo, tạo việc làm đem lại thu nhập cho người nghèo”.
Trên thực tế, dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Kạn chiếm tới 95% các hộ nghèo đa chiều. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp, với nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính và các giải pháp tài chính hiện đại, cũng như công nghệ mới. Hơn nữa, năng suất và sinh kế của họ còn hay bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt trong khi đó, cơ hội tiếp cận với giải pháp bảo hiểm vi mô lại rất hạn chế. Năm 2017, thiệt hại do thiên tai mà tỉnh Bắc Kạn phải hứng chịu được ước tính lên tới 7,3 triệu USD.
Tại sự kiện này, UNDP và Viettel sẽ ký kết biên bản ghi nhớ về khung hợp tác hỗ trợ nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở Việt Nam, đặc biệt là các mục tiêu SDG1, SDG2, SDG5, SDG8, SDG10 và SDG13.
Hai bên cũng sẽ cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp, bao gồm việc ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 vào việc xác định và thử nghiệm các giải pháp nhằm trao quyền tự chủ kinh tế và giảm nghèo ở tất cả các tỉnh.