Nông nghiệp Yên Bái "đứng dậy" sau cơn bão
Yên Bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi diễn ra vào tháng 9/2024. Ước tính tổng thiệt hại của tỉnh Yên Bái là 5.738,2 tỷ đồng, với những tổn thất nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân.
Sau bão, tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu hàng đầu là sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh khuyến cáo người dân gia cố mái. Với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khi tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.
“Việc tái thiết nhà cửa, sản xuất cho người dân cần nguồn lực vô cùng lớn, trong đó các chính sách hỗ trợ quy định, Nhà nước và xã hội hóa chỉ đóng một phần, ngoài ra cần đến sự tự lực, tự cường của chính người dân”, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, chia sẻ tại diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”, diễn ra ngày 23/12.
Đặc biệt, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Mức hỗ trợ này cao hơn so với Nghị định 02/2017/NĐ-CP Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
“Đến nay, kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 đều khả quan trên toàn bộ lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đê kè, công trình nước sạch nông thôn tập trung..”, đại diện ngành nông nghiệp Yên Bái khẳng định.
Các lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà (Yên Bái). Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Riêng trong lĩnh vực thủy sản, với diện tích thiệt hại lên tới hơn 10.000 ha, ông Hoàng Ngọc Đại, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, cho biết Chi cục đã phối hợp với 46 xã bị ảnh hưởng tổ chức xử lý môi trường thiệt hại sau bão, đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái ao hồ. Đồng thời, các loại cá giống có kích cỡ lớn đã được hướng dẫn thả lại vào ao bị ngập tràn nhằm phục hồi sản lượng. Công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản cũng được thực hiện đồng bộ, giúp bà con hiểu rõ các biện pháp cần thiết để khôi phục sản xuất.
Nhờ các nỗ lực trên, đến đầu tháng 12, sản lượng thủy sản của toàn tỉnh tăng từ hơn 1.000 tấn lên 2.000 tấn, đảm bảo kịch bản sản xuất đã đề ra.
Nông nghiệp phục hồi nhưng cần nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ về kinh tế
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, mảng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… cần tiếp tục được hỗ trợ các nguồn lực để khôi phục trong thời gian tới.
Ông Tiến nói rằng Việt Nam đã có chùm chính sách cơ bản đầy đủ và đồng bộ từ trung ương đến địa phương để hỗ trợ phục hồi sau thiên tai. Tuy nhiên, thiên tai là sự thiệt hại vô cùng lớn, để bù đắp lại thiệt hại này khó có thể đáp ứng hết được.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, phát biểu tại diễn đàn. |
Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi bổ sung Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bộ đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo và trình lên Văn phòng Chính phủ.
“Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP được kỳ vọng một phần nào đó, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đền bù cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương, cộng đồng và nhân dân”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đối với từng ngành cụ thể, các biện pháp hỗ trợ về kinh tế lẫn kỹ thuật đã được tích cực triển khai để khôi phục sản xuất.
Trong ngành trồng trọt, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực (Cục Trồng trọt) cho biết Cục phối hợp với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và các vật tư cần thiết cho các hộ bị thiệt hại; trong đó có hơn 300 tấn giống cây trồng được cấp phát cho các tỉnh kịp thời.
“Hiện nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc trồng lại cây và các vườn cây đang sinh trưởng tốt. Dự báo trong năm 2025, sản lượng cây ăn quả sẽ tăng từ 15-50% so với năm 2024, một tín hiệu tích cực trong việc khôi phục sản xuất”, ông Vương khẳng định.
Với ngành chăn nuôi, Chính phủ đã đề xuất các gói hỗ trợ tài chính, bao gồm các khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, cung cấp thức ăn, con giống và thiết bị sửa chữa chuồng trại bị hư hỏng. Các chính sách giãn nợ và miễn giảm lãi suất cho các hộ chăn nuôi cũng đã được đề xuất nhằm giúp họ vượt qua khó khăn và sớm phục hồi sản xuất.
Tương tự, trong ngành nuôi trồng thủy sản, các hỗ trợ khẩn cấp được huy động để khôi phục sản xuất, bao gồm hỗ trợ giống, thức ăn, và các vật tư cần thiết. Đại diện Cục Thủy sản chia sẻ Cục cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, tại diễn đàn một số ý kiến đề xuất Nghị định 02 được ban hành chỉ tập trung vào đối tượng nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, vì vậy cần có thêm các giải pháp hướng về phía khu vực trang trại quy mô lớn phục hồi sau bão.
Cục Thủy sản đề xuất Chính phủ có chính sách giãn nợ với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do bão Yagi.
Trong khi đó Cục chăn nuôi đề xuất có thêm các chương trình đào tạo ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật tái sản xuất, quản lý rủi ro sau thiên tai và nâng cao năng suất trong điều kiện khó khăn. Ngoài ra, các chương trình bảo hiểm nông nghiệp cần được xây dựng và mở rộng, để giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối mặt với rủi ro thiên tai.