Đại biểu tham dự hội thảo tại Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hệ thống khai báo chất thải trực tuyến đã được triển khai thử nghiệm tại Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và cũng đã được mô tả trong Sổ tay quản lý chất thải từ tàu để cung cấp thông tin cho các bên liên quan, cảng có thể cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý chất thải hiệu quả cho các tàu trong tương lai và giảm bớt các thủ tục hành chính cho các đại lý tàu biển.
Trong quá trình triển khai tại cảng Cát Lái, dự án đã đưa ra một số khuyến nghị dựa trên cơ sở đánh giá hiện trạng tại cảng, rà soát văn bản pháp lý, thảo luận về các thông lệ tốt nhất đang áp dụng tại các cảng châu Âu. Dự án đã thiết kế, xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống thông báo chất thải trực tuyến, đề xuất xây dựng hệ thống thu phí bù chi mang tính khuyến khích hơn và chuẩn hóa các thủ tục kiểm soát (Sổ tay Quản lý Chất thải từ tàu - SWMM).
Thực tế cho thấy, việc áp dụng hệ thống thông báo chất thải trực tuyến và hệ thống thu phí gián tiếp đã phát huy hiệu quả và khuyến khích tàu thuyền chuyển chất thải tới các cơ sở tiếp nhận tại cảng.
Theo Thượng tá Phạm Thị Thúy Vân, Phó phòng marketing, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, “Theo chương trình phần mềm triển khai thí điểm của Cảng vụ TP.HCM, các Đại lý hãng tàu sẽ kê khai lượng rác thải theo phân loại và khi tàu cập cảng, Cảng sẽ cập nhật và đối chiếu. Việc áp dụng hệ thống thông báo trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý chất thải của cơ quan hữu quan và rút ngắn thời gian khai báo cho các tàu”.
Phương thức thu giá dịch vụ xử lý chất thải từ tàu thuyền theo nguyên tắc hài hòa lợi ích đã được áp dụng tại các cảng biển của châu Âu. Phương thức này đảm bảo tính đúng chi phí thực tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đặc biệt, khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia và tuân thủ chuỗi hoạt động thu gom, xử lý chất thải, giúp quá trình quản lý chất thải minh bạch, dễ kiểm soát và đạt hiệu quả cao.
Ông Rui Ludivino, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành vận tải biển mà còn mang lại lợi ích tài chính và hành chính cho các cảng và các bên liên quan, bao gồm cả đơn vị thu gom, xử lý chất thải. Điều này sẽ không chỉ giúp cảng tuân thủ đầy đủ các công ước quốc tế và quy định quốc gia mà còn là một ví dụ cho các cảng khác trong khu vực Biển Đông. Chúng tôi rất vui mừng khi hỗ trợ hoạt động này cho Việt Nam trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của các cảng biển châu Âu”.
Theo ông Jens Peter, Chuyên gia chính về quản lý rác thải từ tàu của dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”, điều quan trọng là chất thải thu được từ tàu phải tiếp tục được quản lý hợp lý trên đất liền và phù hợp với hệ thống quản lý chất thải đô thị và tuân thủ các quy định khác trong nước về xử lý cho đến khâu loại bỏ cuối cùng.
“Tất cả các bước từ thu gom đến xử lý và loại bỏ cuối cùng phải được quản lý một cách hiệu quả. Ví dụ, tại châu Âu, việc áp dụng đầy đủ hoặc một phần phương thức phí chất thải gián tiếp đã góp phần làm tăng đáng kể việc chuyển chất thải từ tàu lên các cơ sở tiếp nhận tại cảng của EU và làm giảm tình trạng xả thải trái phép xuống biển. Chắc chắn, việc áp dụng phí gián tiếp rộng rãi hơn sẽ có tác động tích cực đến môi trường ở Đông Nam Á. Chúng tôi đã tích cực trao đổi và làm việc trong hai năm qua và sẽ phổ biến các kết quả của dự án thí điểm tới các cảng khác của Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác khu vực về quản lý chất thải từ tàu”, ông Jens Peter nhận định.
Ông Jens Peter giới thiệu về mô hình quản lý rác thải từ tàu biển tại hội thảo |
Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, mỗi cảng đều hệ thống xử lý riêng, nhưng cảng phải chịu trách nhiệm chung đảm bảo tất cả các bên liên quan tuân thủ pháp luật. Các cảng cần áp dụng quy trình thu gom và vận chuyển rác thải hiệu quả, tiến tới số hóa toàn bộ để phát triển theo mô hình cảng hiện đại, xanh, sạch và có sức cạnh tranh cao. Thêm vào đó, các cơ chế khuyển khích nâng cao năng lực quản lý chất thải từ tàu thuyền sẽ phải được xây dựng để gia tăng lượng chất thải thu gom được từ tàu thuyền về nơi xử lý.
Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa tại bảy nước Đông Á và Đông Nam Á nhằm góp phần làm giảm đáng kể rác thải biển. Đây là dự án do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do Cơ quan hợp tác Đức và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.
Để có thêm thông tin, xin vui lòng truy cập trang web: https://rethinkingplastics.eu
Và liên hệ:
Bà Fanny Quertamp, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Việt Nam, fanny.quertamp@expertisefrance.fr
Bà Trần Thị Tú Anh, Cục Hàng hải Việt Nam, anhttt@vinamarine.gov.vn