Đầu tư và cuộc sống
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực phát triển nhanh, bền vững
Thanh Tân - Quỳnh Nga - 26/09/2023 11:22
Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức vào ngày 26/9 tại Khu du lịch Tùng Lâm Yên Tử, Quảng Ninh.
Hội thảo “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cho biết, Hội thảo với mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay đối với Quảng Ninh. Hội thảo tập trung vào 5 nội dung cơ bản.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Quỳnh Nga

Đó là, nhận diện và những căn cứ, cơ sở khoa học, lịch sử, cơ sở chính trị, pháp lý… để nhận diện các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời kỳ hiện nay đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Làm rõ hơn các phương thức, hình thức khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người phù hợp với đặc điểm đặc thù, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh. Đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua. Bên cạnh đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Từ đó gợi mở giải pháp cho Quảng Ninh để nhận diện được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành  nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững. Và cuối cùng, là gợi mở các kiến nghị chính sách của tỉnh với Trung ương; kiến nghị cơ chế, chính sách cụ thể của các địa phương với tỉnh.

Trong phát biểu tại hội thảo, nói về giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Tiếp cận một cách toàn diện, có thể định nghĩa hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tân

Có thể hiểu rằng, về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, nên vừa có tính truyền thống, vừa có tính đương đại, mang hơi thở của thời đại và góp phần xác lập nên mục tiêu phát triển. Hay nói một cách khác, đây là “hệ đường ray” để xác định, gắn kết các định hướng lớn cho quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh ở hiện tại và tương lai.

Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân nhân hạnh phúc (Định hướng xây dựng hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh)

“Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và mang tính trội về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tự nhiên, sinh thái..., nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, đến nay có thể bước đầu định hình Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”, ông Ký nhấn mạnh.

Các giá trị của tỉnh Quảng Ninh có có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.

PGS. TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Tân

Còn theo PGS, TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, 6 hệ giá trị mà Bí thư Tỉnh ủy Quang Ninh đã nêu mang tính phổ quát, đây là cách tiếp cận tổng thể và toàn diện.

Ông Đức nhấn mạnh thêm: “Quảng Ninh là một vùng đất được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, là nơi hội tụ, giao thoa, kết tinh các giá trị tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng, giàu bản sắc với sức mạnh đặc trưng của con người đất Quảng Ninh hội tụ bốn phương. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Để khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, ông Đức gợi ý đưa ra những giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh như: tiếp tục xác định xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tân

Có thể thấy Quảng Ninh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung, và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ; khắc sâu, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm du lịch, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một.

TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Thanh Tân

Bày tỏ quan điểm của mình tại hội thảo, TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong rất nhiều phương diện làm nên thành tựu Quảng Ninh 37 năm qua, nhất là 15 năm nay, nhân tố tiên quyết và nổi bật trước hết, đó là phát triển văn hóa trong chính trị hay văn hóa chính trị Quảng Ninh; nói khái lược Quảng Ninh đổi mới về tầm nhìn và định vị phát triển. Và, chính đây là một trong các khâu đột phá phát triển của Quảng Ninh. Thứ hai, văn hóa trong kinh tế làm nên sự tăng trưởng kinh tế thấm đẫm văn hóa, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển chủ động, toàn diện và hiệu quả. Thứ ba, trung tâm của mọi sự phát triển kinh tế hay văn hóa là con người. Tổng hòa lại, văn hóa và con người đã và đang là khâu đột phá trước nhất bảo đảm phát triển chủ động và mạnh mẽ của Quảng Ninh.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (Theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành TW)

Để khẳng định vị thế, tư chất và phát huy sức mạnh con người Quảng Ninh, TS Lê Nhị, đã khái quát Hệ giá trị bao hàm 8 nhân tố, với 16 chữ là rường cột và linh hồn của Văn hóa phát triển Quảng Ninh, đó là: “Cầu thị - Mềm dẻo - Tinh tế - Hài hòa - Khẳng khái - Khoan dung - Danh dự - Hòa mục”.

Ông cũng khái lược 5 nhân tố, gồm 10 chữ: Viễn kiến - Tiếp biến - Bản sắc - Dung hợp và Phát triển, vì sự hùng cường và Nhân dân hạnh phúc. Đó là triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh từ hiện tại hướng tới tương lai trong tầm nhìn năm 2045, trước mắt năm 2030: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và là thành phố trực thuộc Trung ương.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, con người nhìn chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng con người, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Với quy mô cấp quốc gia, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của 250 đại biểu, với 80 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành...


Các tham luận đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều nội dung của hội thảo. Kết quả của Hội thảo góp phần cung cấp những kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo trong khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá, con người tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho các địa phương trong cả nước; đồng thời bổ sung những căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triên văn hóa, con người Quảng Ninh đển năm 2025, tầm nhìn đên năm 2030”.

Nét đẹp của vùng đất Yên Tử, Quảng Ninh hòa quyện với nét đẹp của đất nước. Ảnh: Thanh Tân
Tin liên quan
Tin khác