Tìm phòng thông qua mạng xã hội
Theo thống kê, hiện nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo lịch học trực tiếp tại trường như: Kinh tế Quốc dân, Bách khoa, Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngân hàng,…
Hiện Lan Anh đã tìm được phòng trọ ưng ý, ổn định chỗ ở sẵn sàng cho ngày quay trở lại trường học sắp tới. (Ảnh: Phương Linh). |
Mặc dù rất vui mừng khi được học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ dịch nhưng không ít sinh viên phải chật vật đi tìm phòng trọ.
Trần Lan Anh (Vĩnh Phúc) là sinh viên năm nhất trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mặc dù mới đầu tháng 3 nhưng Lan Anh đã sớm có mặt tại Hà Nội để nhận phòng trọ đã cọc và làm quen dần với môi trường mới, cung đường đi lại hằng ngày. Được biết ngày 7/3 tới, Lan Anh chính thức quay trở lại trường học.
“Là sinh viên năm thứ nhất, từ khi nhập học đến nay trường tổ chức học online nên em chưa phải về Hà Nội. Nhưng sau Tết thì nhà trường gửi thông báo lịch học tập trung tại trường từ ngày 7/3 vì vậy em phải khăn gói về Hà Nội trước 1 tuần để tìm nhà ở. Mặc dù đã tham khảo và liên hệ với nhiều chủ phòng trọ nhưng em vẫn phải đi nhiều nơi, di chuyển rất nhiều lần để tìm được phòng ưng ý. Đôi lúc em thấy tìm phòng trọ mà như đi “giật” tín chỉ vậy”, Lan Anh chia sẻ.
Lo ngại vấn đề khó tìm được nhà trọ, Lan Anh đã thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo để tìm nơi ở từ xa. Thế nhưng cần hết sức cảnh giác với những bài đăng trên các nền tảng này.
“Để tìm phòng trên mạng xã hội, em đã hết sức đề phòng để không bị mắc bẫy của những người môi giới. Với những bài đăng về cho thuê nhà ở có cụm từ “liên hệ để xem phòng” thường là của người môi giới đăng thì em sẽ tránh. Em chỉ quan tâm tới các bài có cụm từ “số điện thoại chính chủ” hay “liên hệ chính chủ để xem phòng”. Ngoài ra, để biết chính xác hơn, em đã liên hệ tới số điện thoại người đăng bài, với những người môi giới, họ thường sẽ mất thêm thời gian để trao đổi với chủ nhà rồi báo lại cho khách”, Lan Anh nói.
Cuộc “chạy đua” ráo riết tìm phòng trọ
Lữ Anh Tú (Thanh Miện, Hải Dương) là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Bách Khoa. Trước đây Tú đã thuê trọ gần trường cùng với 1 bạn khác nhưng do thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 vào giữa năm 2021, trường chuyển sang hình thức học online nên Tú đã trả phòng và về quê. Hiện tại do đã có thông báo trở lại trường nên Tú đã phải gấp rút lên Hà Nội tìm phòng.
“Lúc ở nhà thì tưởng mọi việc suôn sẻ, ai dè lên Hà Nội mới biết việc tìm nhà trọ trong thời gian này không hề đơn giản. Em phải di chuyển rất nhiều lần để xem phòng nhưng vẫn chưa tìm được phòng ưng ý. Tiêu chí của em là phòng trọ gần trường, sạch sẽ giá khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng thời điểm em đến tìm thì tất cả các phòng trọ giá bình dân đều đã hết sạch phòng trống”, Tú chia sẻ.
Thông báo cho thuê phòng được dán rất nhiều trên các tuyến phố. (Ảnh: Phương Linh) |
Cùng tâm trạng, Trương Hải Yến (Nam Định) hiện đang là sinh viên năm nhất của Đại học Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ: “Em không có xe riêng để đi lại và không muốn phải bon chen trên xe buýt nên em muốn thuê được phòng ở những địa điểm gần nơi học. Bình thường thì những phòng trọ ở gần trường giá cả đã cao và cũng khó thuê được rồi, nay càng khó hơn nên em rất lo”.
Theo khảo sát của phóng viên báo Đầu tư, thời điểm này để tìm được những phòng trọ có giá khoảng 2 triệu đồng/tháng gần các khu vực trường đại học là rất khó. Hầu hết các khu trọ giá bình dân này đều không còn phòng, nhất là ở những khu vực tập trung nhiều trường đại học như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Mai Dịch... thì luôn là những điểm “hot” thu hút các sinh viên tìm thuê nhà trọ.
Đầu năm nay cũng là thời điểm hầu hết các trường đại học đều đồng loạt tổ chức học tập trung nên các sinh viên lại khăn gói lên Hà Nội tìm phòng trọ khiến không chỉ giá phòng trọ có thể tăng cao mà việc tìm được một nơi ở mới thích hợp cũng trở nên chật vật hơn nhiều đối với các bạn sinh viên.