Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XV. |
Kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, dự kiến công tác nhân sự bắt đầu từ cuối giờ sáng 20/5 đến sáng 22/5 thì hoàn thành.
Thông tin trên được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại cuộc họp báo ngày 19/5, về chương trình Kỳ họp thứ 7, khai mạc sáng nay (20/5) và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6.
Ông Cường cũng cho biết, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước.
Nhân sự cho hai vị trí quan trọng này cũng đã được Trung ương thống nhất rất cao. Theo đó, Trung ương giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước và giới thiệu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Như thường lệ, trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình những tháng đầu năm 2024.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên.
Sau khi Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ họp riêng, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội và thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.
Chiều cùng ngày, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau phần công bố kết quả kiểm phiếu sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp phần Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Tiếp đó Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Quy trình bầu Chủ tịch nước sẽ bắt đầu từ cuối chiều 21/5, sáng 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ tịch nước tuyên thệ, phát biểu nhậm chức.
Tiếp đến, Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Bên cạnh nhân sự, nội dung khác Quốc hội cũng sẽ họp riêng là thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong 26,5 ngày làm việc Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật khác.
Tại phiên họp thứ 33 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp 2 nội dung Chính phủ đề nghị, gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Như thường lệ, Quốc hội vẫn dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn, (từ ngày 4/6 đến hết buổi sáng ngày 6/6) và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội. Dự kiến hoạt động chất vấn tại kỳ họp này theo quy định tại Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thông lệ tổ chức chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó thủ tướng được ủy quyền) sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên bế mạc kỳ họp, làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện.
Trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp các thông tin liên quan. Như thống kê việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tập hợp nội dung các nhóm vấn đề đã chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023, tháng 1, tháng 2 và tháng 3/2024.
Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 lĩnh vực để chất vấn gồm: tài nguyên môi trường, kiểm toán, công thương, văn hoá - thể thao- du lịch, giáo dục và đào tạo.