Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 8 (khai mạc vào ngày 20/10/2014), Quốc hội sẽ làm việc 35 ngày, trong đó dành ra 24,5 ngày để thực hiện công tác lập pháp.
Với 30 luật và 2 nghị quyết được cho ý kiến, xem xét thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có số lượng luật nhiều nhất từ trước đến nay. Với cách làm việc như hiện nay, cho ý kiến vào nội dung Chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào sáng nay (ngày 16/4), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu không đổi mới cách làm việc thì chất lượng văn bản pháp luật khó bảo đảm, hiệu quả làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam không được như kỳ vọng của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu |
Không phải tại Kỳ họp thứ 7, mà các kỳ họp trước đây cũng vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu, theo quy định, khi thảo luận tại hội trường, lần đầu phát biểu, đại biểu Quốc hội không được quá 7 phút, lần thứ hai (nếu còn thời gian) cũng không được quá 3 phút, nhưng nhiều đại biểu phát biểu quá dài, “con cà, con kê”, phát biểu “dây cà ra dây muống” khiến các đại biểu khác mệt mỏi.
“Mặc dù ngày làm việc chưa hết, đại biểu muốn dành thời gian để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị các vấn để để ngày mai phát biểu, đóng góp ý kiến. Vậy thì mắc mớ gì cứ phải bắt người ta ngồi nghe cho hết buổi”, ông Giàu phát biểu.
Đối với phần chất vấn thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, theo ông Giàu, nhiều đại biểu đặt câu hỏi dài dòng, giải thích lòng vòng mất rất nhiều thời gian.
“Chất vấn tức là đại biểu đặt câu hỏi chứ không phải giải thích. Có không ít đại biểu giải thích quá nhiều khiến người nghe (các đại biểu khác và cử tri theo dõi qua phát thanh, truyền hình trực tiếp) phải cố đoán xem đại biểu định hỏi cái gì. Và trên thực tế, nhiều bộ trưởng trả lời chất vấn phải cố đoán xem đại biểu định chất vấn cái gì. Việc này làm mất đi cơ hội được chất vấn của nhiều đại biểu khác và làm giảm hiệu quả của phiên chất vấn”, ông Giàu phản ánh thực tế.
Là Ủy ban phải thẩm tra khá nhiều luật, nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý khá lo lắng với số lượng luật kỷ lục được cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Theo ông, muốn nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, giảm thời gian các kỳ họp thì công tác xây dựng pháp luật phải được thực hiện khoa học.
Cụ thể, khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đại biểu có thể phát biểu tất cả những vấn đề quan tâm, đề nghị giải trình, sửa đổi, bổ sung hoặc bỏ đi. Còn khi trình Quốc hội lần hai chỉ bàn những vấn đề mà còn nhiều đại biểu có ý kiến khác nhau chứ không bàn lại những vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.
“Hiện nay vẫn còn tình trạng, dự thảo luật được trình Quốc hội lần hai mà vẫn còn nhiều đại biểu cho ý kiến vào cả nội dung về sự cần thiết phải ban hành, phạm vi điều chỉnh của luật… Có khi sắp thông qua luật, có đại biểu lại cho ý kiến đóng góp làm đảo lộn hoàn toàn cả dự thảo khiến ban soạn thảo và ủy ban thẩm tra mất rất nhiều thời gian giải trình lại”, ông Lý nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu |
Phó chủ tịch Quốc hội ông Uông Chu Lưu nêu thực trạng có nhiều đại biểu phát biểu không chỉ quá dài dòng, không rõ vấn đề, thậm chí còn phát biểu trùng lắp với các ý kiến trước đó làm mất thời gian của người khác. Có phiên họp còn tới hơn 20 đại biểu đăng ký phát biểu, nhưng không còn thời gian do các đại biểu trước đó “câu giờ”, khiến người không được nêu chính kiến không hài lòng.
Theo ông Lưu, mỗi kỳ họp, Quốc hội phải giải quyết cả một khối lượng công việc khổng lồ, trọng đại của đất nước, nhưng không thể kéo quá dài, thậm chí phải đổi mới cách làm việc để rút ngắn lại. Mặc dù vậy, ông Lưu cho rằng, nếu còn thời gian, đại biểu đăng ký phát biểu lần hai không nên bị khống chế tối đa là 3 phút mà cứ để họ phát biểu đủ 7 phút hoặc dài hơn vì những người phát biểu lại thường là đã nghiên cứu rất kỹ và rất tâm huyết với nội dung phát biểu.
Trực tiếp chủ trì nhiều phiên làm việc tại hội trường, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, nhiều khi đại biểu phát biểu sau trùng lắp với nội dung đã được đại biểu khác phát biểu trước đó, nhưng chủ tọa không thể cắt lời vì phát biểu chính kiến là quyền của đại biểu Quốc hội.
Bà Ngân cho rằng, để nâng cao chất lượng các Kỳ họp Quốc hội, bản thân mỗi đại biểu phải dành nhiều thời gian hơn, công sức hơn để nghiên cứu kỹ tài liệu, nên lựa chọn một số vấn đề trước khi phát biểu và khi thấy vấn đề nào đó đã được đại biểu khác phát biểu rổi thì chủ động rút nội dung đó.
“Tuy nhiên, nếu còn thời gian, nên để đại biểu đăng ký lần hai phát biểu đủ 7 phút chứ không nên khống chế tối đa là 3 phút. Bởi còn thời gian, còn người muốn phát biểu mà Quốc hội nghỉ sớm để về nghiên cứu tài liệu thì cử tri đánh giá Quốc hội làm việc không nghiêm túc”, bà Ngân nói.
Mạnh Bôn