Thời sự
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thanh Huyền - 20/11/2018 10:21
Với 93,2% đại biểu tán thành, sáng nay (20/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Riêng vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung này cần được tiếp tục xem xét thận trọng theo 2 phương án.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc hội)

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Luật nêu rõ các hành vi tham nhũng. Cụ thể, các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, người cung cấp thông tin về tham nhũng. Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, cung cấp thông tin, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này.

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), Luật quy định gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Về phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng, Luật quy định, cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Về trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo (Điều 75), Luật quy định: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

Liên quan đến đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, Luật quy định, trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Viện kiểm sát nhân dân Tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an do Chính phủ quy định.

Một vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh trong Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước khi các đại biểu thông qua, đó là về vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.

"Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng", bà Nga nói.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm thận trọng, cơ quan này đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu về nội dung này. Kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 32,16% tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào Luật.

Tin liên quan
Tin khác