Năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm cả nước đạt 2,791 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức chi nhập khẩu 2,819 của năm 2017. |
So với cùng kỳ 2018, kim ngạch nhập khẩu thuốc từ đầu năm đến 15/3 tăng mạnh tới 82,5 triệu USD, tương đương 16,9%. Còn tính cả quý I/2019, chi ngoại tệ nhập khẩu dược phẩm lên tới gần 600 triệu USD. Trong đó, riêng nửa đầu tháng 3, cả nước chi 125,3 triệu USD nhập khẩu thuốc tây.
Theo số liệu của Tổng cuc Hải quan, thị trường nhập khẩu của Việt Nam những tháng qua rất đa dạng với hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương. Trong đó, nhiều thị trường lớn trong khu vực châu Âu đang cung cấp dược phẩm cho Việt Nam.
Đến hết tháng 2/2019, Pháp là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu thuốc lớn nhất của Việt Nam đạt gần 55 triệu USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ 2018.
Các thị trường nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Ấn Độ 37 triệu USD; Anh 18 triệu USD; Bỉ 14 triệu USD; Đức 44,55 triệu USD; Hàn Quốc 22,7 triệu USD; Hoa Kỳ 34,2 triệu USD; Italia 18 triệu USD; Thụy Sỹ 26,4 triệu USD; Thái Lan 15 triệu USD…
Trong khi đó, Hoa Kỳ, Hà Lan là những thị trường có kim ngạch nhập khẩu thuốc tăng mạnh nhất khi kim ngạch hết tháng 2/2019 của thị trường Hoa Kỳ tăng 183%, thị trường Hà Lan tăng 118% so với cùng kỳ 2018, đạt 8,3 triệu USD.
Trong 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất, Thụy Sỹ là thị trường duy nhất bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 7,9 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 23%).
Hết năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 2,791 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức chi nhập khẩu 2,819 của năm 2017.
Theo số liệu thống kê từ Hãng Nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2018 lên tới gần 5,3 tỷ USD. Hãng này cũng dự báo, độ lớn thị trường sẽ lên tới con số 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và đạt mức 16,1 tỷ USD cho tới năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.
Việc không đủ tiềm lực tự phát minh thuốc mới và chỉ một số ít doanh nghiệp có công nghệ tiếp cận với các tiêu chuẩn cao EU - GMP hay PIC/S là nguyên nhân chính khiến kim ngạch nhập khẩu dược phẩm liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây.
Gần 55% nhu cầu dược phẩm trong nước phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược - thuốc có bản quyền phát minh (patent drug), với giá thành đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước.
Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2017 khoảng 56 USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025, và đây là cơ sở khẳng định, tốc độ chi ngoại tệ để nhập khẩu dược phẩm còn tăng mạnh trong những năm tới.