Sức khỏe doanh nghiệp
Quý II/2022, RIC ghi nhận lỗ quý thứ 11 liên tiếp với giá trị 0,46 tỷ đồng
Duy Bắc - 23/07/2022 14:28
CTCP Quốc tế Hoàng Gia (mã RIC – sàn UPCoM) tiếp tục lỗ quý thứ 11 liên tiếp và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 133,7 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, Quốc tế Hoàng Gia ghi nhận doanh thu đạt 41,53 tỷ đồng, tăng 50,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 0,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 18,42 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 17,96 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp ghi nhận 11,95 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 5,15 tỷ đồng, tăng 17,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 229,7%, tương ứng tăng thêm 1,47 tỷ đồng lên 2,11 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 55,6%, tương ứng tăng thêm 0,9 tỷ đồng lên 2,52 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 5,1%, tương ứng giảm 0,63 tỷ đồng về 11,67 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, Quốc tế Hoàng Gia đã trải qua 11 quý lỗ liên tiếp từ quý IV/2019 tới nay. Trong đó, quý lãi gần nhất là quý III/2019, Công ty ghi nhận lãi 8,03 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Quốc tế Hoàng Gia ghi nhận doanh thu đạt 50,41 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 30,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 45,08 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 30,9 tỷ đồng, tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế của Quốc tế Hoàng Gia đã lên tới 443,3 tỷ đồng, chiếm 63% vốn điều lệ của Công ty.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Quốc tế Hoàng Gia tăng 5,3% so với đầu năm lên 894 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 693,6 tỷ đồng, chiếm 77,6% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 102,6 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II, tài sản ngắn hạn là 76,4 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 210,1 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 133,7 tỷ đồng.

Như vậy, Quốc tế Hoàng Gia đang sử dụng 133,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn, Công ty đang có sự mất cân bằng kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn.

Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 33,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 27,78 tỷ đồng lên 110,4 tỷ đồng và chiếm 12,3% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nợ vay của RIC tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Trong đó, chủ nợ của Quốc tế Hoàng Gia chủ yếu là Ngân hàng đại chúng PVCombank Quảng Ninh 70,1 tỷ đồng; Công ty TNHH bất động sản Lam Xuân 40,34 tỷ đồng (ngắn hạn 22,09 tỷ đồng và dài hạn 18,25 tỷ đồng).

Ở một diễn biến khác, ngày 16/5. Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) cho biết đã hủy niêm yết toàn bộ 28,7 triệu cổ phiếu RIC với lý do Công ty lỗ 3 năm liên tiếp (2019, 2020 và 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Được biết, trong năm 2021, RIC ghi nhận lỗ 102,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 81,5 tỷ đồng và là năm thứ 3 lỗ liên tiếp. Tính tới 31/12/2021, tổng lỗ lũy kế 412,37 tỷ đồng, bằng 58,6% vốn điều lệ công ty.

Ngoài ra, sau kiểm toán năm 2021, kiểm toán cho rằng công ty có khoản lỗ sau thuế 102,5 tỷ đồng trong năm 2021, năm 2020 lỗ 81,54 tỷ đồng và tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 141,89 tỷ đồng. Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Quốc tế Hoàng Gia.

Cơ cấu cổ đông RIC tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Tính tới 30/6/2022, cổ đông của Quốc tế Hoàng Gia gồm Công ty TNHH Đầu tư Khải Việt sở hữu 52,49% vốn điều lệ; bà Ngô Thu Mật sở hữu 3,21% vốn điều lệ; ông Nguyễn Khởi Phát sở hữu 2,68% vốn điều lệ; Nguyễn Tiểu Mai sở hữu 2,52% vốn điều lệ; và còn lại 39,09% thuộc về các cổ đông khác.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu RIC đóng cửa giá tham chiếu 14.400 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác