Thời sự
Quỹ tín dụng nhân dân: Lách luật, biến tướng
Hà Tâm - 31/05/2013 07:29
Trong lúc người dân nhiều địa phương đang khốn đốn vì nạn tín dụng đen, thì không ít quỹ tín dụng nhân dân lại có những thủ đoạn tinh vi nhằm lách luật.
TIN LIÊN QUAN

Để trở thành thành viên quỹ tín dụng, mỗi cá nhân chỉ gần đóng góp
tối thiểu 50.000 đồng

Sau 20 năm hoạt động, Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) có đóng góp lớn trong việc khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống của thành viên, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Bà Huỳnh Thị Ri, Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc QTDND Mỹ Bình (huyện Long Xuyên, An Giang) khẳng định: “Hiện xã nào không có QTDND, thì người dân ở đó rất khổ, bởi QTDND không chỉ là địa chỉ gửi tiền, vay tiền gần gũi và tin tưởng của người dân, mà nhờ có QTDND, người dân tránh được nạn tín dụng đen”.

Nhiều biểu hiện biến tướng, trá hình

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những QTDND hoạt động đúng quy định, chỉ phục vụ thành viên, thì vẫn có những QTDND hoạt động lách luật, biến tướng, vì mục tiêu lợi nhuận.

Cụ thể, hiện nay, quy định thành lập ngân hàng rất khắt khe. Do đó, vì muốn kinh doanh tiền, một số cá nhân đã “lách luật” bằng cách đứng ra góp vốn, sau đó cho vay các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, tuy khó tiếp cận vốn ngân hàng chỉ cần đóng góp 50.000 đồng là có thể trở thành thành viên và được vay vốn từ các quỹ tín dụng này. Như vậy, xét về hình thức, các tổ chức trên là Quỹ tín dụng, song thực chất đây là những công ty cho kinh doanh tiền của cá nhân, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ (do cho vay không đúng chuẩn).

Được biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện khoảng 30 quỹ tín dụng trên cả nước với quy mô vài trăm tỷ đồng, do 3 cá nhân góp vốn, sau đó cho các doanh nghiệp lớn vay vốn.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, do việc lập ngân hàng mới bị siết chặt, nên một số cá nhân đã “lách” bằng cách rót vốn vào các QTDND, sau đó cho các doanh nghiệp lớn vay.

TS. Phí Trọng Hiển, thành viên Cơ quan Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) nhận xét, vẫn còn một bộ phận QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy trình tín dụng, nên luôn tiềm ẩn không ít rủi ro trong hoạt động, đe doạ đến sự an toàn của hệ thống.

Trong khi đó, theo phản ánh của những người trong cuộc, tình trạng chung của nhiều QTDND thực chất là quỹ gia đình, do một số cá nhân lập ra và quản lý. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng lại khá lỏng lẻo, nên tình trạng cho vay sai đối tượng, sai mục đích, hoạt động tùy tiện xảy ra khá phổ biến.

Ông Nguyễn Tiến Huấn, Chủ tịch HĐQT QTDND Quang Trung (Hà Nội) nêu lên một thực tế là, hiện hầu hết các QTDND, các thành viên của quỹ chỉ góp vốn xác lập tư cách thành viên, với số vốn rất nhỏ (tối thiểu chỉ là 50.000 đồng) để đủ tư cách vay vốn. Do vốn góp rất nhỏ, vai trò của những thành viên này hầu như không có, nên việc hoạt động của quỹ ra sao, điều lệ như thế nào không cần biết. Trong khi số thành viên dạng này ở hầu hết các quỹ lại chiếm tới 80-90% tổng số thành viên.

Theo ông Huấn, QTDND khác với mô hình HTX, nên Ngân hàng Nhà nước cần quy định lại các tiêu chuẩn của thành viên QTDND để buộc họ gắn bó hơn về quyền lợi, trách nhiệm với quỹ, đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động của các QTDND.

Cần siết quản lý, nới địa bàn?

Tuy kiến nghị Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý các QTDND trá hình, song lãnh đạo nhiều QTDND lại đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định “mở” hơn để các quỹ này có thể cạnh tranh với khối ngân hàng thương mại cổ phần đang “lấn sân” ngày một sâu vào khu vực nông thôn.

Đại diện nhiều QTDND cho rằng, hiện các ngân hàng thương mại phát triển quy mô, mở rộng địa bàn hoạt động, nên hệ thống QTDND cần có cơ chế ưu đãi của Nhà nước, thì mới có thể cạnh tranh, tồn tại và phát triển.

Theo họ, các chính sách ưu đãi đó là cho phép QTDND được huy động vốn với trần lãi suất huy động cao hơn so với trần huy động của các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, cần xóa bỏ cơ chế giới hạn địa bàn hoạt động của QTDND, miễn sao hoạt động của các quỹ đáp ứng được những quy định về chỉ số an toàn vốn, khả năng chi trả, giới hạn tín dụng và phù hợp với trình độ quản lý.

Đồng tình với ý kiến này, ông Huấn cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài địa bàn, ngoài thành viên của quỹ, hoặc nếu có quy định thì chỉ nên quy định một tỷ lệ từ 20 đến 30% vốn huy động ngoài địa bàn hoạt động, chứ không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài thành viên.

Liên quan đến vấn đề trên, TS. Hiển cho rằng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mô hình QTDND theo hướng phục vụ thành viên và liên kết phát triển hệ thống. Riêng các QTDND, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chấn chỉnh để các tổ chức này thực hiện đúng mục tiêu hoạt động là tương trợ giúp đỡ các thành viên; ngăn chặn các biểu hiện, hình thức lợi dụng các QTDND để hoạt động không đúng mục tiêu. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích thành viên các QTDND tăng mức vốn góp xác lập tư cách thành viên để tránh cho hoạt động của QTDND bị một nhóm số ít thành viên chi phối do góp nhiều vốn…

Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng sắp ban hành một loạt văn bản mới liên quan đến hoạt động của QTDND, như các quy định cụ thể về hoạt động của QTDND; rà soát, sửa đổi mức vốn điều lệ, mức vốn góp xác lập tư cách thành viên QTDND; quy định về vấn đề giải thể, sáp nhập các QTDND…/.

Tin liên quan
Tin khác