Sức khỏe doanh nghiệp
Rầm rộ phương án tăng vốn của các ông lớn
Thanh Thủy - 07/05/2020 07:01
Bên cạnh các giải pháp kinh doanh ứng phó với đại dịch, nhiều doanh nghiệp lớn còn tập trung củng cố năng lực tài chính với các kế hoạch tăng vốn điều lệ. Một số thông qua nguồn lợi nhuận tích lũy sẵn từ các năm trước, cũng có nơi kỳ vọng tìm nguồn tiền mới từ các nhà đầu tư.

Sôi động nhóm tổ chức tài chính

Một trong các nội dung được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Thương mại Đông Nam Á (SeABank) tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua là kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 2.719 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành. Trong đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14%, tương đương phát hành 131,166 triệu cổ phiếu. Đợt còn lại SeABank sẽ chào bán gần 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền mới dự kiến huy động về là 1.410 tỷ đồng.

Quy mô vốn điều lệ của SeABank đã tăng nhanh suốt hai năm qua, từ mức 5.466 tỷ đồng năm 2017 dự kiến sẽ tăng lên 12.088 tỷ đồng trong năm 2020 nếu kế hoạch trên thành công.  

Trước đó, tại cuộc họp cổ đông tổ chức từ đầu tháng 3, BIDV cũng thông qua kế hoạch tăng vốn giai đoạn năm 2020 – 2021. Nhà băng này kỳ vọng phát hành thêm 341,5 triệu đơn vị, tương đương 8,5% vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2019. Ước tính theo mức giá mà Keb Hana Bank đã bỏ ra (33.640 đồng/cổ phần), số tiền mà các nhà đầu tư cần có để hấp thụ hết 341,5 triệu cổ phần dự kiến phát hành lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.

Thực tế, nhiều đợt tăng vốn cũng đã được một số tổ chức tài chính thực hiện thành công gần đây. Chi nhánh ngân hàng Kookmin tại Hà Nội đầu tháng 5 vừa qua nâng vốn điều lệ , chi nhánh này từ 35 triệu USD lên 100 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) sau một năm thành lập nhờ nguồn vốn góp thêm của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc. FWD Việt Nam, công ty 100% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn bảo hiểm FWD của tỷ phú Hồng Kông Richard Li, cũng đã tăng vốn gấp 3,79 lần lên 13.937 tỷ đồng vào cuối tháng 3.

Nhưng không phải đợt tăng vốn nào cũng dễ dàng. Bối cảnh mới với ảnh hưởng lan tỏa của dịch Covid-19 ngoài tác động đến hoạt động kinh doanh và chất lượng tài sản còn ảnh hưởng khả năng huy động vốn mới từ phát hành cổ phiếu của nhóm ngân hàng nói riêng và các tổ chức kinh tế nói chung.

Điển hình như đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB) tháng 4 vừa qua, dù cổ phiếu giao dịch trên sàn sôi động và ngược dòng thị trường chung tăng giá bằng lần, tỷ lệ phân phối cổ phiếu mới thành công cũng mới đạt 42%. Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhà băng này vẫn tiếp tục chào bán thêm 126 triệu cổ phiếu còn dư cho các tổ chức, cá nhân.

Cơ hội tăng vốn của nhóm tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước

Tuy vậy, tình hình hiện tại có thể lại là động lực thúc đẩy quá trình tăng vốn ở một số tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước vốn khá chậm chạp thời gian trước. Tuần trước, kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho biết cơ quan này sẽ thực hiện giám sát gián tiếp trong quý II/2020. Trong đó, tập trung vào hoạt động đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ nguồn thanh toán trái phiếu đặc biệt (theo Thông tư 100/2002/TT-BTC) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ Quỹ thực hiện Chính sách tiền tệ Quốc gia (theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thanh tra Chính phủ).

Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 5/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết phương án tăng vốn cho Agribank vẫn vướng, vì hiện chưa có quy định dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. NHNN đã trình lên Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra vài phương án. Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ra nghị quyết để có cơ sở thực  hiện.

Thaco tăng vốn khủng chuẩn bị cho đợt chia tách

Vốn điều lệ của CTCP Ô tô Trường Hải sau đợt tăng vốn sẽ tăng từ 16.950 tỷ đồng đồng lên 30.510 tỷ đồng. Theo tờ trình vừa gửi đến các cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản, công ty sẽ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (hơn 3.620 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và trích 9.934 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối) với tỷ lệ 100:80. Mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 80 cổ phiếu mới. Cùng đó, các cổ đông còn nhận cổ tức năm 2019 tỷ lệ 9,5% bằng tiền mặt, tương đương tổng số tiền chi trả 1.610 tỷ đồng.

Cũng trong đợt lấy ý kiến này, Thaco còn trình kế hoạch tái cấu trúc để tách riêng thành lập CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group), với số vốn dự kiến 19.324 tỷ đồng. Giá trị tài sản chuyển từ Thaco sang Thaco Group được tính bằng giá trị tài sản là phần vốn góp của Thaco trong Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, CTCP Sản xuất chế biến và phân phối Nông nghiệp Thadi; Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai; Công ty cổ phần Hùng Vương và các công ty khác. Thaco giảm vốn điều lệ còn 11.186 tỷ đồng và chỉ còn hoạt động ở mảng ô tô và cơ khí.

Hãng hàng không Tre Việt vượt Vietjet Air về quy mô vốn điều lệ

Trung tuần tháng 4 vừa qua, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ gần 3.000 tỷ lên 7.000 tỷ đồng. Đợt tăng vốn trên giúp Bamboo Airways vượt qua Vietjet Air (5.400 tỷ đồng) trở thành hãng bay có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai thị trường.

Thông tin từ Cục đăng ký kinh doanh cho biết phần vốn góp mới là từ nhà đầu tư trong nước. Số vốn tăng thêm này có thể cải thiện đáng kể tình hình tài chính của Bamboo Airways.

Ngành hàng không Việt Nam và thế giới đều chịu ảnh hưởng trực tiếp  từ đại dịch  khi nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố các khoản lỗ quý I khổng lồ, lần lượt là – 2.545 tỷ đồng và – 966 tỷ đồng. Dù tình hình tài chính của Bamboo Airways không được công bố nhưng với đặc thù vừa đi vào khai thác trong một lĩnh vực cần bỏ vốn đầu tư ban đầu lớn như hàng không, ảnh hưởng của Covid-19 càng làm khoản lỗ phình to.

Tin liên quan
Tin khác