Đầu tư và cuộc sống
“Rào chắn” chống gian lận trong thi cử
Mộc An - 22/06/2022 14:24
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn gian lận thi cử.
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đồng thời kiểm tra đột xuất tại một số hội đồng thi, điểm thi khi có thông tin phản ảnh tiêu cực. Cùng với lực lượng thanh tra của các sở GD&ĐT, tại các Hội đồng thi ở tất cả địa phương còn có sự tham gia của thanh tra Bộ gồm cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ dự kiến huy động hơn 7.000 giảng viên từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tham gia công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi và chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ngoài ra, 5 đoàn do các thứ trưởng làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi.

Để chuẩn bị cho các khâu của kỳ thi, Bộ GD&ĐT lưu ý, trước khi in sao, cần kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi. Hội đồng thi bố trí 1 cán bộ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi. Khi in sao đề thi, cần kiểm tra biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực in sao đề thi và việc bố trí, thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) khu vực in sao đề thi.

Riêng với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, toàn bộ quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với quy trình khép kín. Sau khi kết thúc quá trình chấm thi, Ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện sao chép tệp tin danh sách thí sinh dự thi và xuất tệp tin sao lưu kết nối dữ liệu, mã nhận diện, mã cấp phép sử dụng máy trạm tương ứng, tài khoản và mật khẩu truy cập… của máy chủ và các máy trạm ra đĩa CD. Niêm phong đĩa CD, máy chủ và máy trạm dưới sự giám sát của Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm, thanh tra, công an.

Theo quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh phải để đồ cách phòng thi 25 m nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Tuy nhiên, quy định này đang vấp phải khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Là địa phương có đông thí sinh dự thi như TP.HCM, Hà Nội, đại diện hai sở GD&ĐT cũng bày tỏ, quy định này rất khó thực hiện. Theo lý giải, số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn, nếu đưa vật dụng vào các phòng tập trung thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy đồ của mình sau môn thi buổi sáng, chuẩn bị cho bài thi buổi chiều. "Năm nay, khả năng thu phát của thiết bị là 25 m, nhưng năm sau có thể lên đến 50 m thì chúng ta làm thế nào? Và liệu rằng để xa 25 m thì có ngăn được gian lận hay không?", lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đặt câu hỏi.

Về băn khoăn này, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) cho hay, những năm qua, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, có sự tổ chức, chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng thành quy trình sử dụng kết hợp nhiều loại thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, quay chụp tài liệu, liên lạc giữa bên trong phòng thi với bên ngoài.

"Năm 2021, qua vụ phát giác gian lận thi cử và rà soát thị trường, chúng tôi thấy, cơ bản các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa được trong khoảng 20-25 m. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách thu phát có thể xa hơn. Bởi vậy, chúng tôi khuyến nghị các thiết bị của học sinh nên để càng xa càng tốt", ông Lê Minh Mạnh đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác